Ông Trump suýt bị ám sát lần 2, chính sách kinh tế của cựu TT Mỹ có gì đặc biệt?
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa 2 ứng cử viên Donald Trump và bà Kamala Harris thu hút sự chú ý không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Các chính sách kinh tế của ông Trump gây ra khá nhiều tranh cãi.
FBI đang điều tra "vụ việc được cho là nỗ lực ám sát bất thành" nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump, diễn ra khoảng 13h30' ngày 15/9 (0h30' ngày 16/9 giờ Việt Nam) trên sân golf Trump International ở West Palm Beach. Tay súng bị phát hiện cách cựu Tổng thống Mỹ khoảng 300-400m.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa 2 ứng cử viên Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris thu hút sự chú ý. Theo khảo sát của Reuters hôm 12/9, tỷ lệ ủng hộ bà Harris là 47%, ông Trump là 42%. Khoảng 53% người nói bà Harris đã thắng tranh luận, trong khi chỉ số này đối với ông Trump là 24%.
Trong cuộc tranh luận hôm 10/9, bà Kamala Harris cho biết có kế hoạch giúp đỡ những gia đình Mỹ lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt.
Nhìn chung, kế hoạch của bà Kamala Harris được nhắc đến nhiều là các khoản hỗ trợ tiền cho một số đối tượng (trong đó có những người mua nhà lần đầu) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bà Harris muốn tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%... Đối tượng hỗ trợ bà Harris nhắm đến chủ yếu những người dân trung lưu, người nghèo và SMEs, vốn chiếm đại đa số dân Mỹ.
Trong khi đó, ông Donald Trump sẽ áp thuế mạnh hàng nhập khẩu vào Mỹ, đặc biệt từ Trung Quốc và gia hạn các khoản cắt giảm từ Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm (TCJA) năm 2017, đặc biệt là các khoản miễn thuế thu nhập cá nhân của TCJA và giảm thuế doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được hạ từ 21% xuống 20% hoặc 15% (có khả năng chỉ áp dụng cho sản xuất trong nước).
Chính sách kinh tế của ông Trump sẽ tác động ra sao?
Trong khi bà Harris tính “bơm” tiền đồng đều cho những người Mỹ “khó khăn” và doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các chính sách của ông Donald Trump nhắm tới tăng trưởng kinh tế bằng cách cắt giảm thuế và bãi bỏ những điều luật trói buộc doanh nghiệp để kích thích kinh tế nội địa và đánh thuế hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Tất cả mới chỉ là kế hoạch. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, chính sách thuế của Mỹ sẽ thay đổi mạnh trong năm 2025, tùy theo ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Phần lớn chính sách giảm thuế mà cựu Tổng thống Mỹ ký duyệt năm 2017 sẽ hết hiệu lực đầu năm 2025. Nếu ông Trump thắng cử, chính sách giảm thuế sẽ được gia hạn và có thể giảm sâu hơn nữa. Còn nếu bà Harris thắng cử, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới.
Câu hỏi được đặt ra là nếu ông Trump thắng cử, chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế Mỹ, tới giới siêu giàu, tầng lớp trung lưu và người nghèo Mỹ?
Không ít người cho rằng, việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế từ đạo luật TCJA là có lợi cho giới siêu giàu. Việc đánh thuế cao hàng nhập khẩu sẽ khiến giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát cao lên và người tiêu dùng Mỹ gánh chịu.
Dưới góc nhìn này, chính sách của ông Trump sẽ khiến người giàu giàu thêm (đặc biệt người siêu giàu, sở hữu những tập đoàn, tổ chức lớn), còn người nghèo thì nghèo hơn.
Theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tới cuối năm 2023, 1% người giàu sở hữu 44.000 tỷ USD, tương đương 30% tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ người nghèo tại Mỹ gia tăng, có thể do ảnh hưởng đại dịch Covid.
Thực tế, dù ông Trump có những chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp, qua đó có thể nhiều tập đoàn lớn và giới siêu giàu hưởng lợi, nhưng ông cũng không có được sự ủng hộ của nhiều trùm tài phiệt. Không ít người chỉ trích tuyên bố can thiệp vào Fed của ông Trump. Đó là chưa kể tới những áp lực từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.
Thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhiều nơi không thiện cảm đối với ông Trump. Không ít người dân và cả một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ trích chính sách của cựu Tổng thống Mỹ. Một trong các đánh giá cho rằng, nếu áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Trung Quốc sẽ khiến lạm phát tại Mỹ gia tăng, người thu nhập thấp và trung bình gặp khó khăn.
Vậy, chính sách gây tranh cãi của ông Trump có thực sự hướng tới người giàu, gây áp lực lên người nghèo hay không?
Trên thực tế, trong một thời gian dài hơn cả thập kỷ qua, nước Mỹ chứng kiến dòng vốn chạy ra nước ngoài rất nhiều. Các tập đoàn lớn tránh thuế Mỹ cao, mang vốn đi đầu tư trên khắp thế giới - những nơi có nhiều ưu đãi hơn. Các tập đoàn lớn và giới siêu giàu luôn có nhiều phương pháp tránh thuế và chuyển thuế qua các quốc gia khác.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ đánh thuế cao cũng có thể không thu được nhiều thuế từ các tập đoàn này. Việc giảm các sắc thuế nói trên cũng không làm giảm thuế đối với giới siêu giàu ở Mỹ đáng kể. Dù vậy, nếu thuế suất giảm đáng kể, dòng tiền của các tập đoàn lớn và giới siêu giàu có thể quay về Mỹ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách cho chính quyền Mỹ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê dân số Mỹ, trong giai đoạn 2018-2019, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tại Mỹ đã tăng từ mức 73.030 USD lên 78.250 USD, rất có thể do tác động của chính sách cắt giảm thuế từ đạo luật TCJA năm 2017 của ông Trump. Thu nhập này đang có xu hướng giảm vài năm gần đây.
Trên CNBC, hôm 13/9, tỷ phú John Paulson cảnh báo về khả năng thị trường tài chính sụp đổ và kinh tế Mỹ suy thoái nếu kế hoạch thuế do bà Harris đề xuất trở thành hiện thực. Theo đó, mức thuế doanh nghiệp quá cao, từ 21% lên 28%... cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh tại Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng, chính sách hỗ trợ tiền trên diện rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của bà Harris sẽ dẫn tới lạm phát. Nguồn tiền để hỗ trợ cuối cùng vẫn là từ tiền thuế của dân (mà chủ yếu từ tầng lớp trung lưu và doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nó không giúp kéo dòng tiền lớn về Mỹ.
Ông Donald Trump và nghi án bị ám sát lần 2, tài sản tỷ USD ra sao?
Lộ diện danh tính đối tượng nổ súng nhắm vào ông Donald Trump, Cựu Tổng thống đưa ra 'tuyên bố rắn'