PAN Group tăng tốc 5 phiên, cổ phiếu tiệm cận đỉnh 3 năm
Cùng với lực kéo từ một số mã vốn hóa lớn như GVR, VHM, VIC... phiên 26/5 chứng kiến giao dịch bùng nổ ở nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản, cao su, vận tải biển.
Từng có lúc giảm 26 điểm về dưới mốc 1.290, tuy nhiên, thị trường chứng khoán bất ngờ ghi nhận pha rút chân mạnh, đóng cửa tăng 18 điểm, lên mức 1.332,5 điểm. Biên độ dao động trong phiên này lên tới 44 điểm.
Cùng với lực kéo từ một số mã vốn hóa lớn như GVR, VHM, VIC... phiên 26/5 chứng kiến giao dịch bùng nổ ở nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản, cao su, vận tải biển, khi các mã TNG, VOS, PVP, IDI, GVR, DPR, VHC, ANV... đồng loạt đóng cửa tại mức giá trần.
Cổ phiếu PAN tiếp tục tăng thêm 4%, nâng chuỗi tăng lên phiên thứ 5 liên tiếp (+12,4%). Với mức giá 26.250 đồng/cp, cổ phiếu của ông lớn ngành nông nghiệp này đang tiến sát vùng đỉnh ba năm (28.400 đồng/cp), đồng thời tiệm cận mức giá ghi nhận ngay trước đợt lao dốc thị trường do lo ngại về thuế quan Mỹ đầu tháng 4.
PAN Group hiện sở hữu tổng tài sản gần 25.900 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, phát triển theo mô hình tích hợp ba mảng chính: nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm đóng gói. Các công ty thành viên tiêu biểu gồm Vinaseed (NSC), VFC (VFG), Fimex (FMC), Aquatex Bến Tre (ABT), Bibica (BBC), Lafooco (LAF)...
Tại ĐHCĐ thường niên tháng 4/2025, PAN đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.256 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 4% so với năm 2024; lợi nhuận ròng kỳ vọng đạt 672 tỷ đồng, tăng 10%. Nếu đạt kế hoạch, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp PAN vượt mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, đồng thời thiết lập mức đỉnh mới.
Dù không nằm ngoài vùng ảnh hưởng từ chính sách thuế quan Mỹ, ban lãnh đạo PAN cho biết công ty đã có sự chuẩn bị chủ động. Bà Nguyễn Thị Trà My – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc – nhận định mảng thủy sản có thể chịu tác động nhất định, song các đơn vị thành viên đã xây dựng các kế hoạch ứng phó, đảm bảo thực hiện đầy đủ chỉ tiêu kinh doanh.
![]() |
ĐHCĐ thường niên 2025 của PAN Group hồi cuối tháng 4 |
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng chia sẻ rằng mảng tôm – mặt hàng xuất khẩu chính sang Mỹ – đã được PAN xác định từ nhiều năm trước là lĩnh vực dễ tổn thương. Tập đoàn vì thế đã chủ động tìm kiếm các sản phẩm và thị trường thay thế. Ông khẳng định: "Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của PAN rất nhỏ. Các sản phẩm chế biến sâu đến nay chưa bị ảnh hưởng. Do đó, kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng".
CEO Trà My bổ sung, trong quý I/2025, các nhà nhập khẩu Mỹ đã “ráo riết thúc đẩy chúng tôi sản xuất – xuất khẩu và thực hiện đơn hàng vào Mỹ. Chúng tôi chỉ còn 45 ngày để thực hiện”. Bà đánh giá: “Năm 2025, mức ảnh hưởng từ thuế quan vào PAN sẽ không quá lớn so với bức tranh chung của Tập đoàn”.
Trước câu hỏi của cổ đông về độ phủ sóng của cổ phiếu, ông Nguyễn Duy Hưng thẳng thắn: "Tôi không có công cụ đo đếm để biết cổ đông đã giúp PAN viral hay chưa, nhưng với câu hỏi này, bản thân cổ đông cũng nghĩ được rằng phải có trách nhiệm đóng góp cho Tập đoàn. Lợi nhuận chúng tôi hứa đã làm được, song còn một thứ chúng tôi chưa thể làm được – đó là giá cổ phiếu. Chúng tôi hy vọng năm 2025 giá cổ phiếu PAN sẽ tốt hơn... Đến một lúc nào đó, thế giới sẽ phải quay lại với những giá trị liên quan đến sự sinh tồn như an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước".
Đánh giá triển vọng kinh doanh trong bối cảnh hiện tại, ông Hưng cho biết: "Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn... Việc chúng tôi vẫn duy trì một kế hoạch kinh doanh tăng trưởng có nghĩa là chúng tôi tin mình làm được. Chúng tôi luôn luôn làm được những gì mình nói".
Với mảng nông nghiệp, PAN khẳng định sẽ tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu bền vững và tránh xa các thị trường rủi ro hoặc phụ thuộc nhiều vào chính sách.
Lãi kỷ lục, doanh nghiệp nhà PAN Group chốt trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ gấp 2,5 lần kế hoạch
Doanh nghiệp ‘nhà’ PAN Group đặt mục tiêu lãi kỷ lục, trả cổ tức tỷ lệ 40% bằng tiền