Chứng khoán

[LIVE] ĐHCĐ PAN Group: 'Có một thứ chúng tôi vẫn chưa làm được'

Quốc Trung 23/04/2025 15:30

Sau hơn một thập kỷ, PAN Group không chỉ là một tập đoàn nông nghiệp – thực phẩm, mà còn là một hệ sinh thái toàn diện, bền vững. Hành trình tỷ USD của PAN vẫn đang tiếp tục – và những chương mới còn nhiều điều đáng mong chờ.

Toàn cảnh đại hội

14h35: Phần thảo luận

anh-chup-man-hinh-2025-04-23-150547.png

Vì sao PAN vẫn trả cổ tức 5% trong năm nay?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Với lộ trình vốn như hiện tại, năm sau và những năm khác tỷ lệ cổ tức cao hơn trong những năm tiếp theo.

Vì sao đồng loạt thay thế lãnh đạo tại nhiều công ty con?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tre già thì măng mọc, đến lúc cần thay thì phải thay. Ai cũng phải đến lúc nghỉ. Đây không phải năm đầu tiên chúng tôi thay lãnh đạo của các công ty thành viên. Tuy nhiên, kết quả của tất cả các công ty trên đều tốt hơn rất nhiều. Năm nay chúng tôi vừa thay Chủ tịch Vinaseed. Những năm trước, NSC chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 2% nhưng năm nay đặt mục tiêu tăng tới 7 lần.

Chúng tôi nói những gì chúng tôi nghĩ là làm những gì chúng tôi nói. Chúng tôi tin tưởng 100% các công ty thành viên đều phát triển trong tương lai.

Dự báo tình hình kết quả kinh doanh sau quý I trong bối cảnh thuế quan và giá gạo?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chưa bao giờ làm kinh doanh mà không khó khăn. Chưa ai dám nói chắc cái gì đặc biệt trong bối cảnh thị trường như thế này. Việc chúng tôi vẫn duy trì một kế hoạch kinh doanh tăng trưởng có nghĩa là chúng tôi tin mình làm được. Chúng tôi luôn luôn làm được những gì mình nói.

Liên quan đến câu chuyện giá gạo, PAN Group sẽ tập trung làm các sản phẩm giá trị gia tăng, làm thương hiệu, không đi vào những sản phẩm dùng nhiều cơ chế hoặc các thị trường rủi ro.

PAN có kế hoạch tăng vốn tại công ty mẹ hoặc kế hoạch thoái vốn tại công ty thành viên không?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chúng tôi chỉ tăng vốn công ty mẹ khi tìm kiếm được cơ hội đầu tư để dùng tiền đó vào việc tạo ra hiệu quả. Việc thoái vốn công ty thành viên hay không, nếu có cơ hội thoái vốn, chúng tôi sẽ làm nhưng phải hiệu quả. Mặt khác, phải có kế hoạch dùng vốn thoái đó vào những việc hiệu quả hơn để trình cổ đông.

Quan điểm của PAN Group là khi sáp nhập các công ty về tập đoàn, làm sao phải làm doanh nghiệp đó phát triển tốt hơn. Nếu không làm được mới xem xét thoái vốn cho đối tác có thể giúp phát triển tốt hơn.

Điều quan trọng khác bên cạnh lợi nhuận/hiệu quả cho các nhà đầu tư là doanh nghiệp thuộc PAN phải phát triển bền vững và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động bởi ngành của chúng ta là nông nghiệp.

PAN Group đã viral chưa?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi không có công cụ đo đếm để biết cổ đông đã giúp PAN viral hay chưa, nhưng với câu hỏi này, bản thân cổ đông cũng nghĩ được rằng phải có trách nhiệm đóng góp cho tập đoàn.

Lợi nhuận chúng tôi hứa đã làm được, song còn một thứ chúng tôi chưa thể làm được - đó là giá cổ phiếu. Chúng tôi hy vọng năm 2025 giá cổ phiếu PAN sẽ tốt hơn. Trên cơ sở góc nhìn của một nhà đầu tư, tôi nghĩ rằng khi hết quan tâm đến những gì phát triển nóng và nhiều rủi ro, đến một lúc nào đó, thế giới sẽ phải quay lại với những giá trị liên quan đến sự sinh tồn (an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước...).

Chiến lược M&A năm nay và 3 năm tới ra sao?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tập đoàn mẹ thì không M&A nhiều nhưng các công ty thành viên thì vẫn đang tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên không ai nói trước được mình sẽ M&A cái gì, khi có, chúng tôi sẽ trình đại hội sau.

PAN Group có định chế tài chính nước ngoài nào không? Việc tìm kiếm đối tác chiến lược ra sao

Ông Nguyễn Duy Hưng: Việc tìm kiếm là vấn đề phải làm, là bước đi cơ bản đối với một tập đoàn đa ngành như PAN. Đối tác chiến lược thì năm nào cũng phải làm, từ đối tác vốn, đối tác hợp tác kinh doanh, đối tác để tiêu thụ sản phẩm... Đến giờ phút này, các đối tác chiến lược khi vào với PAN, có thể đạt được mục tiêu hay chưa đạt mục tiêu thì tất cả đều thừa nhận rằng làm với PAN Group thì đều rất chuyên nghiệp, không dễ bị chi phối.

Sau M&A là "đồng hóa" hay "kết nối mềm"?

Là Tổng Giám đốc PAN Group kiêm Chủ tịch Vinaseed (NSC), bà Nguyễn Thị Trà My sẽ mang lại lợi thế gì cho doanh nghiệp này?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Giữ hai vai trò như vậy cổ đông có thể thấy NSC quan trọng như thế nào đối với hệ sinh thái Tập đoàn PAN. Cái tôi có thể mang lại đối với Vinaseed là kinh nghiệm điều hành và vai quản trị. Am hiểu về mảng nông nghiệp, hệ sinh thái của PAN sẽ được tận dụng tối đa, tối ưu các sản phẩm của công ty thành viên.

Về mảng tài chính, chúng tôi muốn tối ưu được câu chuyện dòng tiền cho công ty thành viên, tận dụng uy tín của Tập đoàn PAN để tìm kiếm những nguồn vốn mới, cạnh tranh nhất, rẻ nhất từ nước ngoài.

Về mảng R&D (nghiên cứu và phát triển), chúng tôi có thể tận dụng uy tín của PAN Group để tổ chức hội thảo và các chương trình mang lại hiệu quả cho cổ đông cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Cổ đông hỏi rằng, tiêu chí M&A của của PAN Group dựa vào những yếu tố nào? Có bao giờ công ty từ chối M&A?

Ông Nguyễn Duy Hưng: PAN Group muốn xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp với hy vọng đóng góp một phần cho nông nghiệp Việt Nam. Tất cả những công ty trong hệ sinh thái này có chung một giấc mơ thì chúng tôi sẽ cùng nhau làm. Để có làm được với nhau không thì chúng tôi phải cảm nhận được mong muốn của người ta, có phù hợp hay không? Trường hợp người ta nói như vậy nhưng làm không phải như vậy thì chúng tôi kiểm soát như nào?

Trong quá khứ, đã có những trường hợp chúng tôi đã deal đi sâu với doanh nghiệp nhưng cuối cùng PAN Group đã từ chối không M&A.

Sau M&A là "đồng hóa" hay "kết nối mềm"?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Nếu kết hợp với nhau vì mục đích chung, câu chuyện văn hóa không phải vấn đề. Khủng hoảng chỉ xuất hiện khi những lợi ích khác nhau xuất hiện hoặc triển khai không đúng ý của họ.

Chúng tôi hoàn toàn có thể giải quyết được những trường hợp khác biệt, "chống lại" văn hóa. Thực tế thì việc này chưa xảy ra nhưng ở các công ty thành viên chúng tôi đều chiếm đa số (tỷ lệ) rất cao. Làm chính thống, minh mạch thì không sợ khuất tất. Chúng tôi không biến những gì mình làm thành bất kỳ công cụ của cá nhân nào, kể cả tôi.

r6pi0618.jpg
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng phát biểu khai mạc đại hội; ông Phạm Viết Muôn - thành viên HĐQT, Trưởng Ủy ban Kiểm toán - trình bày báo cáo hoạt động của HĐQT năm 2024

Góc nhìn câu chuyện thuế quan Mỹ

13h45: ĐHCĐ đủ điều kiện tiến hành với tỷ lệ cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự là 61,968%.

Chia sẻ về câu chuyện ngành thủy sản, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, ngoài Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp là mảng tôm. Chúng tôi đã nhận thức được trong nhiều năm và tìm sản phẩm, thị trường thay thế từ nhiều năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của PAN group là rất nhỏ. Các sản phẩm chế biến sâu, cho đến thời điểm này chúng tôi chưa bị ảnh hưởng. Do đó, kết quả kinh doanh của Tập đoàn sẽ tiếp tục là tăng trưởng.

Bà Nguyễn Thị Trà My bổ sung, từ sau đại dịch Covid-19, chúng tôi đã tái cấu trúc lại sản phẩm, Khang An (thuộc FMC) đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản. Chúng tôi vừa có hợp đồng thủy sản 2.000 tấn và một hợp đồng khác ở Anh. Đây là dấu ấn khi chúng tôi đã chủ động tìm hiểu, khai thác thị trường từ nhiều năm trước.

Quý vừa rồi, các nhà nhập khẩu Mỹ đã ráo riết thúc đẩy chúng tôi sản xuất và xuất khẩu và thực hiện đơn hàng vào Mỹ. Chúng tôi chỉ còn 45 ngày để thực hiện. Năm 2025, mức ảnh hưởng từ thuế quan vào PAN sẽ không quá lớn so với bức tranh chung của Tập đoàn.

>> Ba niềm vui của cổ đông PAN Group

Thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2025, bà Nguyễn Thị Trà My - thành viên HĐQT kiểm Tổng Giám đốc - nhấn mạnh quý đầu năm không phải là cao điểm kinh doanh của PAN Group. Mảng thủy sản có thể chịu những tác động về thuế quan Mỹ song các thành viên PAN đã chủ động đề ra những kế hoạch ứng phó, đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

panyy.png
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc PAN Group

Thông tin trước đại hội

Lợi nhuận quý I/2025 tăng 15,2%

Ngày 23/4, CTCP Tập đoàn PAN (Mã: PAN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 4.119 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 24% kế hoạch năm (17.256 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 194 tỷ đồng, tăng 15,2%, tương đương 29% kế hoạch năm (672 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 108 tỷ đồng, tăng 29% và hoàn thành 16% mục tiêu cả năm.

Mức tăng trưởng này đến từ kết quả tích cực tại các công ty con mà PAN sở hữu tỷ lệ cao như Bibica, Aquatex Bentre, VFC, Vinaseed... Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sở hữu tại PAN Farm cũng góp phần kéo lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng nhanh hơn so với lợi nhuận thuần.

Về cơ cấu doanh thu theo ngành, mảng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,3%, tiếp theo là nông nghiệp (35,3%) và thực phẩm đóng gói (12,3%).

- Mảng nông nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế tăng 20%, chủ yếu nhờ đóng góp từ VFC. Vinaseed cũng tăng nhẹ 5%.

- Ở mảng thủy sản, doanh thu tăng mạnh 36%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 13%. Lợi nhuận Fimex VN sụt giảm 36%, song phần nào được bù đắp nhờ Aquatex Bentre có mức tăng trưởng lợi nhuận gần gấp đôi.

- Mảng thực phẩm ghi nhận kết quả trái chiều: Lafooco giảm doanh số, Bibica tăng trưởng tích cực, trong khi 584 Nha Trang ghi nhận kết quả tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Được biết năm 2025, PAN Group dự kiến trình thông qua mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 17.256 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 4% so với thực hiện 2024; lãi ròng kỳ vọng đạt 672 tỷ đồng, tăng 10%. Nếu đạt được, đây sẽ là năm thứ 2 liên tiếp lợi nhuận vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục lập đỉnh mới. Công ty tiếp tục đặt kế hoạch cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 5%.

Trước đó, kết thúc năm 2024, CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group) đạt doanh thu 16.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ, tăng lần lượt 23% và 40% so với năm trước, vượt xa kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng tại các công ty thành viên ở ba mảng chính đã đóng góp tới 50% lợi nhuận.

Bước sang năm 2025, PAN Group tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển nhất quán: Phát triển bền vững, tối đa hóa lợi ích cổ đông và duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành nông nghiệp – thực phẩm.

Dấu ấn một thập kỷ M&A chọn lọc

Đằng sau mức lợi nhuận lần đầu vượt 1.000 tỷ đồng là chiến lược M&A có tầm nhìn tỷ USD của ban lãnh đạo.

Năm 2013, PAN Group công bố chiến lược đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, đặt mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực. Với khát vọng đồng nhất hóa ngành nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam, PAN cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc minh bạch, thông qua chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Từ một doanh nghiệp có vốn điều lệ khiêm tốn, đến cuối 2024, PAN Group đã ở vị thế top đầu ngành với vốn chủ sở hữu hơn 8.800 tỷ đồng, tổng tài sản gần 24.000 tỷ đồng. Thành công này đến từ chiến lược M&A có chiều sâu.

Khác với các thương vụ thâu tóm thông thường, PAN Group chỉ M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực cốt lõi, có tính cộng hưởng cao với hệ sinh thái tập đoàn, theo tiêu chí khắt khe về minh bạch quản trị, tiềm năng tăng trưởng và khả năng tích hợp. Sau M&A, PAN không dừng lại ở việc sở hữu, mà tập trung tối ưu hóa chuỗi giá trị, phát huy sức mạnh cộng hưởng giữa các công ty thành viên.

Bắt đầu từ thương vụ M&A Thủy sản Bến Tre (ABT) năm 2013, PAN Group tiếp tục sở hữu các công ty đầu ngành như Vinaseed, Bibica, 584 Nha Trang… Đến nay, tập đoàn gần như đã khép kín chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm, từ con giống, sản xuất, chế biến đến phân phối.

[LIVE] ĐHCĐ PAN Group: Dấu ấn một thập kỷ M&A chọn lọc
Nguồn: PAN Group

>> Dấu ấn PAN Group năm 2024: 'Chúng tôi làm tất cả những gì cổ đông yêu cầu'

Các công ty con nổi bật trong hệ sinh thái PAN Group:

- Nông nghiệp: Vinaseed (NSC), VFC (VFG);

- Thủy sản: Fimex (FMC), Khang An Foods, Aquatex Bến Tre (ABT);

- Thực phẩm đóng gói: Bibica (BBC), Lafooco (LAF), nước mắm 584 Nha Trang, cà phê Golden Beans.

Nhờ chiến lược này, đến cuối năm 2023, PAN Group chiếm lĩnh thị phần hàng đầu trong nhiều mảng: Chiếm 21% thị phần giống cây trồng – đứng đầu Việt Nam; Top 2 thuốc bảo vệ thực vật với 12% thị phần; Top 3 về xuất khẩu tôm với tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Tiến gần cột mốc tỷ USD

Giai đoạn 2013-2024, doanh thu PAN Group đã tăng 26 lần, lợi nhuận hợp nhất tăng 55 lần. Từ mức tài sản chỉ 400 tỷ đồng năm 2012, quy mô doanh nghiệp đã tăng 60 lần sau 12 năm, tiến gần tới cột mốc tỷ USD tài sản.

Dĩ nhiên, con số này chưa phải điểm dừng. CEO Nguyễn Thị Trà My khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục M&A để hoàn thiện chuỗi giá trị, song song với tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty con chiến lược.

anh-chup-man-hinh-2025-04-23-141814.png

PAN Group cũng mở rộng hợp tác quốc tế, điển hình là: Syngenta – hợp tác trong lĩnh vực nông dược; CP Group – hợp tác chiến lược trong ngành tôm. Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu, mà còn mở rộng kênh phân phối toàn cầu.

Điều này một lần nữa được đại diện doanh nghiệp khẳng định tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu tháng 2 vừa qua khi được hỏi về kế hoạch tăng vốn: "Chúng tôi sẽ tăng vốn khi định giá công ty phù hợp để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và doanh nghiệp. Mục đích chính của việc tăng vốn là để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, đặc biệt là những công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn".

CEO Trà My nhấn mạnh: "PAN luôn tìm hiểu kỹ đối tác và nhu cầu doanh nghiệp: Mình có gì, cần gì – họ có gì, cần gì. Chỉ khi có sự hợp tác thực chất, đôi bên mới cùng phát triển bền vững".

Tính đến cuối năm 2024, tổng nhân sự của PAN Group đã đạt 10.850 người, tăng 405 nhân sự sau 12 tháng và 4.400 nhân sự so với năm 2014 – thời điểm trước khi đổi tên.

Sau hơn một thập kỷ, PAN Group không chỉ là một tập đoàn nông nghiệp – thực phẩm, mà còn là một hệ sinh thái toàn diện, bền vững. Hành trình tỷ USD của PAN Group vẫn đang tiếp tục – và những chương mới chắc chắn còn nhiều điều đáng mong chờ.

>> Cuộc chuyển giao quyền lực tại Vinaseed - Doanh nghiệp 14 năm liền trả cổ tức tiền mặt trên 30%

Doanh nghiệp ‘nhà’ PAN Group đặt mục tiêu lãi kỷ lục, trả cổ tức tỷ lệ 40% bằng tiền

Chi gần 10.000 tỷ đồng cho danh mục chứng khoán kinh doanh, đại diện PAN Group nói gì?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/live-dhcd-pan-group-dau-an-mot-thap-ky-ma-chon-loc-287633.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    [LIVE] ĐHCĐ PAN Group: 'Có một thứ chúng tôi vẫn chưa làm được'
    POWERED BY ONECMS & INTECH