Doanh thu gần 17.700 tỷ song cuộc dạo chơi với các khoản đầu tư chứng khoán đã khiến biên lãi ròng năm 2022 của Petrosetco (Mã PET) giảm về dưới 1%.
Biên lãi ròng 2022 giảm về dưới 1%
Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí - Petrosetco (Mã PET - HOSE) kết thúc năm 2022 với doanh thu tăng nhẹ lên mức 17.665 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm một nửa so với cùng kỳ còn 168 tỷ đồng; biên lãi ròng giảm mạnh so với năm trước còn dưới 1%. Kết quả kinh doanh này đã cách xa so với kế hoạch lợi nhuận 336 tỷ đồng đã đặt ra.
PET cho biết, nguyên nhân không đạt kế hoạch vì nhu cầu thị trường đã giảm đáng kể sau năm dịch bùng phát, lợi nhuận trước thuế chịu ảnh hưởng một phần từ doanh thu chưa đạt mức kỳ vọng. Tuy nhiên, đây không phải lý do trọng yếu.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lợi nhuận năm 2022 của PET sụt giảm mạnh là khoản trích lập khoản lớn dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Nguồn báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Petrosetco |
Lỗ tài chính kỷ lục sau cuộc dạo chơi chứng khoán
Từ quý 1/2021, PET đã đầu tư vào thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu trên sàn. Năm 2021, Petrosetco ghi nhận lãi đến từ động kinh doanh chứng khoán đạt 34,7 tỷ đồng - chiếm 8% trong cơ cấu lợi nhuận năm.
Sang năm 2022, PET đã gia tăng giá trị đầu tư chứng khoán lên 582,2 tỷ đồng vào cuối quý 2 - tăng 350 tỷ so với đầu năm song phải trích lập dự phòng đến 172 tỷ tại thời điểm 30/6/2022.
Đến cuối quý 3/2022, PET tiếp tục trích lập dự phòng 166 tỷ đồng và giá trị khoản đầu tư giảm xuống còn giá trị 347,2 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, PET gần như đã bán hết danh mục đầu tư và chỉ còn giữ lại 24,5 tỷ đồng trong danh mục chứng khoán. Theo đó, trích lập dự phòng cũng giảm mạnh còn dưới 1 tỷ đồng.
Ghi nhận tại báo cáo tài chính riêng năm 2022, công ty đang có khoản lỗ chứng khoán 176 tỷ đồng trong khi năm 2021 không ghi nhận. Chính khoản lỗ này khiến chi phí tài chính riêng của PET tăng gấp 5,5 lần so với năm trước đó - đạt 271,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại báo cáo hợp nhất năm, khoản lỗ chứng khoán thậm chí ghi nhận mức 247,4 tỷ đồng trong khi năm 2021 chỉ lỗ gần 5,1 tỷ.
Nguồn báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Petrosetco |
Ban lãnh đạo PET khẳng định, về chiến lược đầu tư chứng khoán, công ty đã cơ cấu lại danh mục đầu tư giảm tỷ lệ xuống mức thấp, có nghĩa giá trị doanh nghiệp đầu tư vào thị trường chứng khoán hiện tại không còn đáng kể.
Và... với việc "nướng tiền" vào danh mục chứng khoán và phải ngậm ngùi cắt lỗ, lợi nhuận tài chính của Petrosetco chuyển âm trở lại tới 270 tỷ đồng trong năm 2022 trong khi năm trước đó lãi hơn 9,1 tỷ. Cần nhấn mạnh rằng, các khoản lỗ những năm về trước của PET chủ yếu đến từ áp lực trả lãi vay.
PET lỗ tài chính kỷ lục kể từ ngày hoạt động |
Suốt nhiều năm qua, phân phối và dịch vụ ngành dầu khí luôn là mảng kinh doanh chính và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của PET (năm 2022 đạt khoảng 15.800 tỷ đồng - chiếm 89% cơ cấu doanh thu). Với đặc thù của ngành phân phối, nhu cầu vốn lưu động của Petrosetco là rất lớn.
Dòng tiền kinh doanh chuyển âm, gánh nặng trả nợ vay ngắn hạn hiện hữu
Tuy nhiên, cuộc dạo chơi chứng khoán trong năm qua đã cho thấy quyết định sai lầm của ban lãnh đạo Petrosetco gây ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe tài chính của công ty.
Đến cuối năm 2022, công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm tới 569 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 233 tỷ. Ngoài ra, dòng tiền tài chính dương 517 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ phục vụ nhu cầu vốn lưu động, bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Petrosetco ở mức 9.054 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho tăng gần 1.000 tỷ lên mức 2.438 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng lên mức 7.030 tỷ - gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu - trong đó nay nợ tài chính gần 4.180 tỷ đồng. Trong số này, vay ngắn hạn là 4.113 tỷ - tăng 15,5% so với đầu năm.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, áp lực nợ vay của PET đang ngày càng cao với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở (D/E) tăng cao, từ đó sẽ gia tăng rủi ro thanh toán ngắn hạn nếu doanh nghiệp không đảm bảo tốc độ bán hàng và lãi suất tăng bào mòn lợi nhuận.
Trước đó, kế hoạch tăng vốn thông qua việc chào bán 44,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 (giá dự kiến là 15.000 đồng/cổ phiếu) nhằm thu về 674 tỷ (phục vụ cho việc trả nợ ngân hàng) của PET đã phải dừng lại do điều kiện thị trường không thuận lợi. Dù vậy, ban lãnh đạo khẳng định việc không tăng được vốn trong năm 2022 cũng không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của công ty hoặc ảnh hưởng rất nhỏ do công ty có thể sử dụng vốn vay ngân hàng với hạn mức khoảng 11.000 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu PET kết phiên 24/2/2023 giảm 4,4% về mức 21.500 đồng - tăng 84% sau hơn 3 tháng tạo đáy. Tuy nhiên, so với mức giá đỉnh 61.600 đồng hồi đâu tháng 4/2022, mã hiện đã giảm tới 65% giá trị.
Từng khuynh đảo thị trường, vì sao hàng điện tử xách tay giờ đây ‘lép vế’?
Petrosetco (PET): Cú ‘lột xác’ từ doanh nghiệp dầu khí sang ông lớn bán lẻ công nghệ