Phạm Kim Dung - 'Bà trùm hoa hậu' dính nhiều drama nhất hiện nay và hành trình kiến tạo 'đế chế' Sen Vàng
Hiện nay, công ty Sen Vàng của "bà trùm hoa hậu" Phạm Kim Dung là một trong số ít đơn vị nắm giữ nhiều bản quyền các cuộc thi hoa hậu nhất Việt Nam.
Những năm gần đây, Công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (Sen Vàng) đã trở nên gắn liền với các cuộc thi hoa hậu đình đám như Miss World Vietnam, Hoa hậu Việt Nam, Miss Grand Việt Nam...
Trước đó, Sen Vàng đã thường xuyên xuất hiện với vai trò là đối tác sản xuất các cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam 2014 và 2016, Tiếng hát Truyền hình 2015, Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long và Người Đẹp Hoa Anh Đào. Công ty này cũng mở rộng sang sản xuất phim và các chương trình truyền hình như Tuyệt đỉnh Song ca và Tài tử tranh tài...
Trên website của mình, Sen Vàng tự giới thiệu là một trong số ít công ty cung cấp dịch vụ truyền thông trọn gói.
Thành lập vào tháng 8/2006, Sen Vàng chuyên sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình, với trụ sở ban đầu tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM.
Cổ đông sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất của Sen Vàng là bà Phạm Thị Kim Dung, sinh năm 1976. Bà Dung đã nhiều năm liền giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty.
Ban đầu, vốn điều lệ của Sen Vàng là 50 tỷ đồng do 8 cổ đông cá nhân góp vốn, trong đó bà Dung góp nhiều nhất với 29 tỷ đồng, tương đương 58%. Đến tháng 9 năm 2016, cơ cấu cổ đông chỉ còn 6 người với tổng số vốn góp vẫn là 50 tỷ, trong đó bà Dung nâng tỷ lệ sở hữu lên 61% với số vốn góp là 30,5 tỷ.
Tháng 7 năm 2018, Sen Vàng tăng vốn lên 150 tỷ đồng, nhưng số cổ đông chỉ còn 5 người, với sự góp mặt thêm của bà Đỗ Mỹ Linh (5%) và ông Hoàng Hữu Nhật Nam (2%). Hơn một năm sau, vào tháng 10/2019, Sen Vàng lại giảm vốn điều lệ xuống còn 50 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Bà Dung vẫn giữ chức Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật.
Bà Phạm Thị Kim Dung được gọi là “bà trùm hoa hậu” khi là người đứng đầu đơn vị quản lý Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú, Á hậu Diễm Trang, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên và nhiều Á hậu, Á khôi và người đẹp khác.
Bà Dung quê tại Vĩnh Long, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM. Bà từng làm khảo sát thị trường tại A. C Nielson - một công ty nghiên cứu thị trường trong khoảng 10 năm. Sau khi rời A. C Nielson, bà Kim Dung làm việc cho công ty Bất động sản Phú Mỹ Hưng, chuyên nghiên cứu thị trường và sự kiện, marketing, trước khi chuyển sang lĩnh vực truyền thông.
Ngoài Công ty TNHH Quảng cáo Thương mại Sen Vàng, bà Dung còn giữ vai trò Chủ tịch CTCP Giải trí Sen Vàng. Đây là đơn vị nắm giữ 10 bản quyền cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương.
Nhờ vào việc nắm giữ bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp và quản lý hàng loạt người đẹp, những năm qua, Sen Vàng liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Theo số liệu của Báo Công Thương, năm tài chính 2021, Sen Vàng ghi nhận doanh thu gần 404 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 118 tỷ đồng, tương đương biên lãi gộp đạt 29,2%. Công ty lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu của Sen Vàng đạt hơn 672 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước đó. Biên lãi gộp đạt 26,5%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng. Tổng tài sản tại cuối năm 2022 chạm mốc gần 380 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.
Trên thị trường, một công ty khác được coi là đối thủ "ngang sức" với Sen Vàng là Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn (SGUni Corp). Không nắm giữ nhiều bản quyền tổ chức các cuộc thi hoa hậu như Sen Vàng, Hoàn Vũ Sài Gòn chỉ giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ (Miss Universe) tại Việt Nam.
Theo Dân trí, hoạt động kinh doanh của Hoàn Vũ Sài Gòn không ổn định, ghi nhận lỗ nặng vào các năm 2016, 2018 và 2020, đặc biệt trong năm 2016 lỗ 56,5 tỷ đồng. Hai năm còn lại, năm 2017 ghi nhận lãi ròng 1,8 tỷ đồng và năm 2019 lãi 16,9 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Hoàn Vũ Sài Gòn khoảng 806 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt gần 435 tỷ đồng, thấp hơn số vốn điều lệ 650 tỷ đồng.
Tối 3/8 vừa qua, Chung kết Miss Grand Vietnam 2024 đã khép lại với kết quả người kế nhiệm Hoa hậu Lê Hoàng Phương là Võ Lê Quế Anh, sinh năm 2001 đến từ Quảng Nam. Màn đăng quang của mỹ nhân 23 tuổi tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội, nhiều người so sánh khả năng ứng xử, kỹ năng lẫn sắc vóc của cô không ấn tượng bằng Hạnh Nguyên - thí sinh dừng chân ở vị trí Á hậu 1.
Trên trang Fanpage của Miss Grand Vietnam 2024, bài đăng công bố vị trí top 3 nhận tới hơn 10.000 cảm xúc phẫn nộ cùng hơn 2.000 bình luận bất bình về kết quả chung cuộc.
Rất nhiều khán giả cho rằng, cuộc thi thiên vị Võ Lê Quế Anh thấy rõ và không hy vọng về cô tại Miss Grand International sắp tới.
Trước những ý kiến và phản ứng của khán giả bà Phạm Kim Dung - Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung thừa nhận bất kỳ cuộc thi nào cũng có tranh cãi, kết quả dù thế nào cũng khó làm hài lòng tất cả.
Ngoài ra, dân cư mạng còn đưa ra một vài thông tin liên quan đến vấn đề chính trị của bà Phạm Kim Dung và chồng. Ngay lập tức, bà Phạm Kim Dung và ông Hoàng Nhật Nam đã lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, phản hồi của họ không hoàn toàn làm dịu dư luận. Bà Phạm Kim Dung và ông Hoàng Nhật Nam giải thích rằng những thông tin đó là không chính xác và đã được hiểu sai. Họ khẳng định rằng mình luôn tuân thủ pháp luật và không có bất kỳ sự liên quan nào đến các vấn đề chính trị được nêu ra. Mặc dù vậy, tranh cãi vẫn tiếp tục nổ ra trên mạng xã hội, khiến cả hai phải liên tục làm rõ và cập nhật thông tin để bảo vệ danh tiếng và uy tín của mình.
'Cậu bé đánh giày' được 4 Shark cùng đầu tư, nhận vé vàng 500 triệu ngay trước giờ phát sóng
TP thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam 'khắc nhập' thêm 1 huyện, tiến thẳng lên đô thị loại I