Cả FPT Retail (FRT) và Thế Giới Di Động (MWG) đang âm thầm tham gia cuộc chiến về giá khiến kết quả kinh doanh ảm đạm, giá cổ phiếu thì sao?
Ở thời kỳ hoàng kim, các chuỗi cửa hàng điện máy, di động của Thế Giới Di Động (MWG) ghi dấu ấn thương hiệu với mức bán giá cao hơn các cửa hàng khác nhưng bù lại bằng các dịch vụ hậu mãi tốt hơn.
Khi khó khăn ập đến, đơn vị này thay đổi sang chiến lược giá rẻ với lời tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài: "Các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi".
Sau 7 tháng phất cờ cho cuộc chiến hạ giá, Thế giới Di động đã phải “rên xiết” giữa đại cuộc do chính mình tạo ra.
9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thế Giới Di Động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Riêng hai chuỗi điện thoại (bao gồm cả TopZone) và Điện Máy Xanh chỉ đạt khoảng 62.400 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, giảm 23% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, mảng truyền thống là điện thoại, doanh thu đóng góp chỉ còn 23,8%; thấp hơn so với Bách Hoá Xanh (25,7%).
Áp dụng chiến lược giá rẻ, do đó chi phí giá vốn trong 9 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động chỉ giảm 10,5%, ghi nhận ở mức 71.560 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó sụt giảm tới 33% so với cùng kỳ xuống còn 15.299 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng "bốc hơi" đến gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.
Còn FRT, FPT Retail (FRT), “tay chơi” căn ke nhất với MWG trong cuộc chiến giá từ điện thoại đến laptop, hàng gia dụng… còn ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm bết bát hơn.
Cụ thể, FRT đạt 23.160 tỷ doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, Long Châu đóng góp 11.088 tỷ (chiếm 48% tổng doanh thu), tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng ICT bị ảnh hưởng nặng, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng kéo dài từ các yếu tố bất lợi của thị trường chung kể từ đầu năm nay, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, thắt chặt tiêu dùng đối với các hàng hoá không thiết yếu và giá trị cao như điện thoại, laptop... Do đó, FPT shop ghi nhận 12.222 tỷ đồng doanh thu, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trừ các chi phí, FRT lỗ sau thuế gần 226 tỷ, cùng kỳ lãi hơn 301 tỷ đồng.
Phiên đầu tháng 1/11/2023, thị giá cổ phiếu của bộ đôi FRT – MWG cũng có sự đối lập đáng kể.
Ghi nhận, cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng nhẹ 1,15% dừng tại mức 88.000 đồng/cp, tương ứng tăng đến 62% sau 5 tháng. Như vậy cổ đông FPT Retail gia tăng khoảng 62% tài sản trong 5 tháng.
Trong khi đó cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động lại giảm kịch sàn phiên thứ 2 liên tiếp, ở mức 35.100 đồng/cp. Tính từ đỉnh một năm đạt được vào giữa tháng 9, cổ phiếu này đã mất hơn 38% thị giá. Vốn hóa thị trường cũng theo đó "bốc hơi" hơn 31.000 tỷ đồng, chỉ còn khoảng hơn 51.000 tỷ đồng.
Sự bốc hơi của MWG cũng khiến tổng tài sản của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài giảm đáng kể. Ước tính tổng tài sản của ông Tài hiện nay khoảng 6.600 tỷ đồng (sở hữu cá nhân hơn 35,1 triệu cổ phiếu và sở hữu gián tiếp 153,4 triệu cổ phiếu MWG tại Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ). Như vậy trong vòng hơn 1 tháng, tổng tài sản của ông Tài “bay màu” khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mức giá hiện nay của cổ phiếu MWG xấp xỉ mức giá của 5 tháng trước. Như vậy, trong 5 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu MWG về đúng vùng đáy 1 năm song thị giá cổ phiếu FRT lại tăng tới 62%.