Xã hội

Phát hiện dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của sự sống ở ngoài Hệ Mặt trời

Minh Phát 18/04/2025 01:01

Phát hiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.

Theo thông tin từ Reuters đăng tải ngày 17/4, các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb đã thu được những dấu hiệu sự sống mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong khí quyển của một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, cách Trái đất khoảng 124 năm ánh sáng.

Nikkeu Madhusudhan, nhà vật lý thiên văn thuộc Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết phát hiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất. "Chúng tôi đã chứng minh rằng có thể phát hiện các dấu hiệu sinh học trên những hành tinh có khả năng sinh sống bằng công nghệ hiện tại. Đây là thời điểm chuyển mình sang kỷ nguyên sinh vật học thiên văn quan sát", ông chia sẻ.

Hành tinh được phát hiện có tên K2-18 b, với khối lượng gấp 8,6 lần Trái đất và đường kính lớn hơn 2,6 lần. Nằm trong "vùng có thể sinh sống", nơi nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt, hành tinh này quay quanh một sao lùn đỏ nhỏ hơn và kém sáng hơn Mặt trời. Hai loại khí sinh học có mặt trong khí quyển của hành tinh này là dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS), những hợp chất thường chỉ được tạo ra bởi sinh vật sống, đặc biệt là vi sinh vật như tảo biển trên Trái đất. Phát hiện này gợi ý rằng hành tinh này có thể tràn ngập vi sinh vật.

Phát hiện dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của sự sống ở ngoài Hệ Mặt trời - ảnh 1

K2-18 b có thể phù hợp với hình ảnh mô phỏng một hành tinh có sự sống này. ẢNH: REUTERS

Dù vậy, việc phát hiện DMS và DMDS không đủ để chứng minh có sự sống sinh học trên K2-18 b, nhưng nó có thể giúp giải đáp câu hỏi liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không. "Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến nay về một hoạt động sinh học ngoài Hệ Mặt trời. Chúng tôi rất thận trọng. Chúng tôi phải tự hỏi liệu tín hiệu đó có thật không và nó có ý nghĩa gì", giáo sư Madhusudhan chia sẻ.

Ông còn cho biết: "Nhiều thập niên sau, chúng ta có thể nhìn lại thời điểm này và nhận ra rằng đó là lúc vũ trụ có sự sống đã gần kề. Đây có thể là điểm then chốt, khi câu hỏi liệu chúng ta đơn độc trong vũ trụ hay không là điều mà chúng ta có thể trả lời."

Mặc dù vậy, không ít người hoài nghi về tính đáng tin cậy của các dấu hiệu sinh học này, cũng như liệu các điều kiện trên K2-18 b có thực sự phù hợp cho sự sống. Với khoảng cách hơn 120 năm ánh sáng, việc giải quyết tranh cãi này thông qua quan sát cận cảnh là điều khó khăn, nhưng ông Madhusudhan cho rằng đây không phải là rào cản lớn đối với khám phá các hiện tượng vũ trụ khác như hố đen.

>> Chiều tối nay, thiên thể khổng lồ có khả năng xóa sổ một thành phố sẽ bay gần Trái Đất nhất trong 100 năm

Phát hiện thêm 128 mặt trăng của hành tinh lớn thứ 2 trong hệ Mặt Trời

Người phụ nữ Việt Nam duy nhất được lấy tên để đặt cho một tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời: Nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27, từng là giảng viên Harvard

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/phat-hien-dau-hieu-manh-me-nhat-tu-truoc-toi-nay-cua-su-song-o-ngoai-he-mat-troi-140704.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện dấu hiệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của sự sống ở ngoài Hệ Mặt trời
    POWERED BY ONECMS & INTECH