Xã hội

Phát hiện hóa thạch cá mập cổ đại 9 triệu năm tuổi, là tổ tiên của cá mập trắng lớn

Minh Tài 22/01/2025 - 23:13

Được biết, các nhà khoa học còn phát hiện một lượng lớn cá mòi trong dạ dày của loài cá mập này.

Theo Reuters, vào ngày 20/1, các nhà cổ sinh vật học tại Peru đã công bố phát hiện hóa thạch của một loài cá mập có tên Cosmopolitodus hastalis, là họ hàng với cá mập trắng lớn, có tuổi đời lên tới 9 triệu năm. Loài cá mập này sinh sống ở phía Nam của vùng biển Thái Bình Dương, với cá mòi là món ăn ưa thích của chúng.

Phát hiện hóa thạch cá mập cổ đại 9 triệu năm tuổi, là tổ tiên của cá mập trắng lớn - ảnh 1
Hóa thạch họ hàng cá mập trắng lớn 9 triệu năm tuổi. (Ảnh: EPA-EFE)

Hóa thạch gần như hoàn chỉnh của loài Cosmopolitodus hastalis được phát hiện tại lưu vực Pisco, nằm cách thủ đô Lima khoảng 235km về phía Nam. Khu vực này, vốn là một sa mạc khô cằn, nổi tiếng với việc thường xuyên phát hiện các hóa thạch của những loài sinh vật biển cổ đại.

Loài cá mập này được cho là tổ tiên của cá mập trắng lớn ngày nay. Mặc dù đã tuyệt chủng, loài cá mập này sở hữu những chiếc răng có chiều dài lên tới 8,9cm, trong khi cá thể trưởng thành có thể dài gần 7m, tương đương với kích thước của một chiếc thuyền nhỏ.

Ông Cesar Augusto Chacaltana, kỹ sư tại Viện địa chất và khai khoáng Peru (INGEMMET), cho biết trong buổi giới thiệu rằng hóa thạch của loài cá mập này có mức độ "hóa thạch đặc biệt".

Tại sự kiện, các nhà nghiên cứu đã trưng bày phần hài cốt cổ đại của loài cá mập trong các hộp kính, trong đó nổi bật là một chiếc hàm lớn với những chiếc răng sắc nhọn. Nhà cổ sinh vật Mario Urbina chia sẻ: "Trên thế giới, không có nhiều hóa thạch cá mập hoàn chỉnh như thế này". Ông cũng tiết lộ rằng các nhà khoa học đã phát hiện một lượng lớn cá mòi trong dạ dày của loài cá mập này.

Ông Urbina giải thích thêm rằng, vào thời kỳ mà loài cá mập này còn bơi lội trên các đại dương, cá cơm vẫn chưa xuất hiện. Vì vậy, cá mòi đã trở thành nguồn thức ăn chính cho các loài động vật săn mồi biển trong kỷ nguyên đó.

Phát hiện hóa thạch cá mập cổ đại 9 triệu năm tuổi, là tổ tiên của cá mập trắng lớn - ảnh 2

Hóa thạch họ hàng cá mập trắng lớn 9 triệu năm tuổi. (Ảnh: theglobeandmail)

Tháng 11 năm ngoái, các nhà cổ sinh vật học Peru đã công bố hóa thạch của một con cá sấu non sống cách đây hơn 10 triệu năm tại khu vực trung tâm Peru, nơi có lưu vực Pisco và vùng nông nghiệp Ica.

Trước đó, vào tháng 4 năm ngoái, các nhà nghiên cứu cũng trưng bày hộp sọ hóa thạch của loài cá heo sông lớn nhất từng được biết đến. Loài cá heo này từng sinh sống tại khu vực Amazon khoảng 16 triệu năm trước.

Phát hiện mới về loài Cosmopolitodus Hastalis không chỉ cung cấp cái nhìn sâu hơn về tổ tiên của cá mập trắng lớn mà còn làm sáng tỏ thêm về hệ sinh thái biển cổ đại tại vùng biển phía Nam Thái Bình Dương.

>> Phát hiện ‘quái vật’ 193 triệu năm tuổi ở Trung Quốc, hé lộ bí ẩn về nguồn gốc loài khủng long cổ xưa nhất châu Á

Phát hiện hóa thạch thực vật 400 triệu năm cực kỳ hiếm gặp, làm sáng tỏ sự thay đổi sinh thái của Trái Đất

Bất ngờ phát hiện hóa thạch của một loài thực vật 'ngoài hành tinh'

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/phat-hien-hoa-thach-ca-map-co-dai-9-trieu-nam-tuoi-la-to-tien-cua-ca-map-trang-lon-135339.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện hóa thạch cá mập cổ đại 9 triệu năm tuổi, là tổ tiên của cá mập trắng lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH