Phát hiện ‘kho báu’ chứa hơn 32 tấn vàng trải dài một con sông cổ
Các chuyên gia ước tính tổng lượng vàng tại "kho báu" này trị giá khoảng 2,13 tỷ USD.
Sông Indus là một trong những con sông lâu đời và dài nhất thế giới. Gần đây, tại tỉnh Punjab của Pakistan, gần thành phố Attock, người dân được cho là đã phát hiện ra các mỏ vàng, thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Theo ước tính của các chuyên gia, trữ lượng vàng tại khu vực này có thể lên tới 600 tỷ rupee Pakistan, tương đương khoảng 2,13 tỷ USD.
Nếu thông tin này được xác thực, phát hiện nói trên có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho khu vực, thậm chí có thể góp phần định hình lại bức tranh tài chính của cả quốc gia. Báo cáo từ Nav Bharat Times cho biết, vàng được tìm thấy tại sông Indus được cho là có nguồn gốc từ các vùng núi phía Bắc Pakistan, cụ thể là từ dãy Himalaya.
Quá trình hình thành bắt đầu từ hàng triệu năm trước, khi sự va chạm giữa các mảng kiến tạo tạo nên các ngọn núi, kéo theo hiện tượng xói mòn và giải phóng các hạt vàng vào dòng chảy của sông.

Những hạt vàng này theo dòng nước chảy xiết của sông Indus và cuối cùng tích tụ lại ở đáy sông. Đây là hiện tượng tự nhiên hình thành nên các mỏ vàng sa khoáng, nơi vàng lắng đọng với số lượng lớn tại một số khu vực nhất định dọc theo con sông.
Theo nhiều phương tiện truyền thông, khu vực quận Attock được cho là có vàng phân bố trên đoạn sông dài khoảng 32km, với trữ lượng ước tính khoảng 32,6 tấn, tương đương giá trị 600 tỷ rupee.
Ngay sau khi thông tin lan truyền, người dân địa phương đã bắt đầu tiến hành khai thác vàng dưới lòng sông. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động này hiện bị xem là bất hợp pháp. Nav Bharat Times cho biết, Chính phủ Pakistan đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép.
Đồng thời, các quan chức thuộc Bộ Mỏ và Khoáng sản cũng đang có động thái nhằm kiểm soát việc thăm dò và khai thác tràn lan nguồn tài nguyên quý giá nói trên. Thay vì tập trung vào vàng, các cơ quan chức năng hiện đang ưu tiên khai thác kẽm.
Với giá trị ước tính lên tới 600 tỷ rupee, nguồn tài nguyên mới phát hiện có thể giúp Pakistan phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nợ công đang là vấn đề đáng lo ngại. Nếu được quản lý và khai thác một cách có trách nhiệm, mỏ vàng này không chỉ mang lại nguồn thu đáng kể cho quốc gia mà còn có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực địa phương.