Khai quật khu định cư 5.000 năm tuổi cùng nhiều di vật, được coi là dấu vết đô thị hóa đầu tiên ở ‘quốc gia của sa mạc’
Theo các nhà khảo cổ, khu vực này có thể là minh chứng cho sự gia tăng phức tạp trong xã hội cũng như quá trình hình thành đô thị từ 5.000 năm trước.
Các nhà khảo cổ Israel vừa phát hiện một khu định cư 5.000 năm tuổi gần thành phố Beit Shemesh (Israel). Những di vật thu được tại đây bao gồm hai lò nung gốm, thuộc vào số lò cổ nhất từng được tìm thấy tại Israel, cùng với một công trình công cộng chứa 40 bình gốm nguyên vẹn, được cho là một trong những ngôi đền cổ nhất từng được phát hiện tại vùng Judea.
“Địa điểm khai quật này có ý nghĩa vô cùng to lớn”, Yitzhak Paz, một nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), cho biết. “Đây là một khu vực rộng lớn, chiếm ưu thế so với những khu vực xung quanh, cho thấy rằng chúng tôi đang làm việc trên một khu định cư quan trọng với dân cư đông đúc, nơi thể hiện những dấu hiệu sớm của quá trình đô thị hóa”.
Khu định cư này, được tìm thấy tại di chỉ Hurvat Husham thời kỳ Đồ Đồng vào năm 2021, bao gồm những tàn tích với các bức tường dày cùng một không gian có ghế băng. Nhóm nghiên cứu cho rằng không gian này có thể phục vụ cho các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như thờ cúng. Không xa tòa nhà này, các nhà khảo cổ còn phát hiện một khu phức hợp cổ hơn với hàng các phiến đá lớn dựng đứng, có khả năng cũng được sử dụng làm nơi không gian nghi lễ.
Sự gần kề của hai công trình này có thể cho thấy rằng người dân thời đó đã chuyển từ việc thờ cúng ở một không gian công cộng sang một nơi khép kín, với sự kiểm soát chặt chẽ hơn về việc tiếp cận. Đây có thể là minh chứng cho sự phức tạp ngày càng tăng trong cấu trúc xã hội và quá trình đô thị hóa diễn ra tại khu vực này cách đây 5.000 năm. Các nhà nghiên cứu còn nhận xét rằng thời kỳ Đồ Đồng Sơ khai (cuối thiên niên kỷ thứ tư TCN) là một giai đoạn đầy biến động với sự gia tăng dân số, hình thành xã hội có thứ bậc, tiêu chuẩn hóa các ngành công nghiệp, xây dựng các công trình công cộng quy mô lớn và giao thương nhộn nhịp với các vùng lân cận.
“Khai quật được một di tích đã tồn tại nguyên vẹn suốt 5.000 năm thật sự là điều vô cùng kỳ diệu”, Danny Benayoun, một nhà khảo cổ thuộc Cơ quan Cổ vật Israel, chia sẻ.
Cuộc khai quật còn tìm thấy nhiều bình và chum, cùng với những vật chứa nhỏ, có thể mang giá trị biểu tượng nhiều hơn là giá trị sử dụng thực tiễn. Điều thú vị là các nhà khảo cổ phát hiện chúng vẫn nằm nguyên vị trí ban đầu, có thể do người dân tại khu định cư đã sắp xếp chúng trước khi rời bỏ nơi này.
Mặc dù chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với căn phòng sau khi những chiếc bình này được đặt vào, các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết của đám cháy, và một số bình còn xếp chồng lên nhau. Họ hy vọng rằng việc phân tích kỹ hơn các thành phần nguyên bản trong những bình này có thể mang đến lời giải cho bí ẩn này.
Theo Livescience