Dù nắm trong tay nhiều lợi thế về hạ tầng KCN và logistics, nhưng để thu hút đầu tư một cách hiệu quả còn là câu chuyện không dễ của các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ông Koen Soenens – Giám đốc Kinh doanh và Marketing tổ hợp khu công nghiệp DEEP C về những tiềm năng, thế mạnh và thách thức của các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông trong định hướng thu hút đầu tư tại đây và chiến lược của doanh nghiệp trong tương lai.
- Ông đánh giá ra sao về tiềm năng thu hút đầu tư tại các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông? Tương lai, doanh nghiệp có ý định mở rộng tại các địa phương này không?
Miền Bắc Việt Nam, cụ thể là vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống hạ tầng logistic tốt nhất cả nước. Không chỉ có mỗi cảng nước sâu Lạch Huyện là cửa ngõ của miền Bắc Việt Nam ra thế giới, mà còn cả một hệ thống đường cao tốc hiện đại kết nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh phát triển nhất đồng bằng sông Hồng với Trung Quốc. Do vậy, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Hà Nội tới khu vực miền Nam Trung Quốc đã trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Hiện nay, trong chính những khu công nghiệp thuộc DEEP C, chúng tôi đang xây dựng các tổ hợp công nghiệp chuyên biệt như tổ hợp công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và năng lượng tái tạo. Trong tương lai, chúng tôi đang tìm hiểu một số các địa điểm đầu tư bên cạnh Hải Phòng và Quảng Ninh, có thể là các địa điểm sâu trong đất liền để phát triển một khu công nghiệp mới chỉ tập trung thu hút một ngành công nghiệp chuyên biệt.
- Theo ông, điều gì đã khiến các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông thành công trong việc đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài?
Trên thực tế, khi các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư, kết nối với hạ tầng giao thông là tiêu chí quan trọng hàng đầu, không chỉ vì việc vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy nhanh chóng và thuận tiện nhất có thể, mà còn vì yếu tố tiếp cận với thị trường mục tiêu và các nguồn lực khác.
Hiện nay, miền Bắc Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng tốt, tuy nhiên vẫn còn những lĩnh vực mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để cải thiện kết nối giữa các trung tâm công nghiệp. Và kết nối còn thiếu này chính là các con sông. Việt Nam nói chung và miền Bắc Việt Nam có rất nhiều con sông chảy cắt ngang qua mà chưa được tận dụng. Đây cũng là một trong những mục tiêu của DEEP C, góp phần đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy nội địa để giúp giảm lưu lượng container trong vận tải đường bộ. Điều này không chỉ giúp giảm đáng kể chi phí, mà còn phát triển một loại hình vận tải xanh sạch hơn.
Tuy nhiên, hệ thống các tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư của nhà đầu tư không chỉ có mạng lưới hạ tầng giao thông mà còn có nguồn lao động. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng nghĩa với nhu cầu lao động ở mọi trình độ tăng lên nhanh chóng. Việc quan trọng nhất là những nhà lãnh đạo xây dựng một cơ chế giúp nhà đầu tư tương lai tiếp cận được với nguồn lao động. Chúng ta không những cần nâng cao số lượng mà cả chất lượng lao động như tay nghề cao, kiến thức và ngoại ngữ tốt, và đặc biệt là tính linh hoạt để thích nghi được với môi trường làm việc đang thay đổi từng ngày.
- Phát triển KCN sinh thái đang là hướng đi mới của các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Điều gì tạo ra sự khác biệt ở DEEP C, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định, DEEP C là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn DEEP C để định hướng bức tranh toàn cảnh các khu công nghiệp của Việt Nam trong bước chuyển mình sang khu công nghiệp sinh thái trong những năm tới.
Và trong kế hoạch chuyển đổi của DEEP C từ một khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, cũng như kế hoạch thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư thứ cấp vào sự chuyển đổi này. Chúng tôi cũng đang cân nhắc đến việc xây dựng thang điểm phát triển bền vững cho mỗi nhà đầu tư thứ cấp trong tổ hợp để phản ánh những nỗ lực phát triển bền vững của họ. Nếu chúng ta đưa mô hình này lên một tầm cao hơn như là cấp độ địa phương, chỉ số xanh này sẽ thể hiện nỗ lực của mỗi địa phương trong việc mang đến một môi trường đầu tư xanh và an toàn cho những nhà đầu tư tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Tổ hợp KCN DEEP C là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Bỉ. Hiện nay, DEEP C đang vận hành 3 khu công nghiệp ở Hải Phòng và 2 khu công nghiệp ở Quảng Ninh với tổng quỹ đất hơn 3400 ha. Trong 26 năm vừa qua, DEEP C đã thu hút được hơn 150 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới gần 6 tỷ USD.