Xã hội

Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi

Thái Hà 26/02/2025 00:08

Đây được xem là nguồn tư liệu rất quan trọng để làm rõ lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như vùng đất Nam Bộ.

Di tích Vòng thành Đá Trắng nằm tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tọa lạc trên một gò cát lớn gần như tròn, có địa hình thoải dốc thấp dần về phía Nam và liền kề Quốc lộ 55.

Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 1
Di tích Vòng thành Đá Trắng nhìn từ trên cao. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN

Đây là công trình kiến trúc thành lũy quy mô lớn, được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong, với mỗi cạnh dài 200m và được bao bọc bởi vòng hào rộng khoảng 10ha. Từ lâu, người dân các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc đã biết đến di tích này.

Năm 2002, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam lần đầu tiên tiến hành khảo sát di tích. Qua nghiên cứu, các chuyên gia xác định đây là dấu tích của một thành cổ đã bị phá hủy và đặt tên là Vòng thành Đá Trắng.

Đến tháng 7 và 9/2007, Bảo tàng tỉnh tiếp tục hợp tác với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) để khảo sát mở rộng.

Từ năm 2002 đến năm 2023, di tích được khảo sát và khai quật thăm dò tại nhiều vị trí nhằm xác định đặc điểm kết cấu kiến trúc vòng tường đá ong và tầng văn hóa bên trong. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều giai đoạn cư trú khác nhau trên không gian này, trải dài qua các khung niên đại từ thời tiền sử (cách đây khoảng 2.000-2.500 năm), đến thời Chân Lạp (khoảng thế kỷ VIII-X) và thời kỳ xây dựng tòa thành bằng đá ong (thế kỷ XV-XVI).

Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 2
Nhiều đoạn tường thành bằng đá tổ ong vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Thành An/Báo Lao Động

Di tích hiện trường để lại bao gồm các tường thành bằng đá ong, giếng đào, dấu vết lỗ cột (có khả năng từng dựng các công trình bằng gỗ), cùng các vết tích bếp, hố rác… Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều di vật như đồ dùng sinh hoạt và công cụ lao động bằng đá, kim loại, đất nung và đồ gốm (sành - sứ).

Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 3
Cùng một vị trí được cho là khu bếp, khu sinh hoạt của những người sinh sống trong thành kèm với nhiều hiện vật. Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường

Nổi bật trong số các di vật được phát hiện là 14.965 mảnh gốm Gò Sành (Champa). Đồ sành chủ yếu được chế tác thành các loại vò, chum, chóe có đế bằng và phần thân để mộc, một số ít được phủ men gần kín.

Đồ bán sứ gồm 3.355 mảnh với các loại hình phổ biến như tô, bát, âu, liễn, đĩa… có lớp men màu xám ghi, xám xanh rêu hoặc màu vàng nhạt, mang đặc trưng của gốm Champa (gốm Gò Sành). Ngoài ra, một số ít mảnh bán sứ có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu) và từ Thái Lan thời kỳ Sukhothai (gốm Sawankhalok).

Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 4
Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 5
Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi - ảnh 6
Một số cổ vật được tìm thấy. Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN

Theo các nhà khảo cổ, di tích này có cấu trúc gồm vòng thành hình vuông xây bằng đá ong, được bao quanh bởi đường hào có dạng gần hình chữ nhật. Tổng thể di tích rộng hơn 10ha, với vòng hào dài 410m và rộng khoảng 265m, bao bọc tường thành đá ong rộng khoảng 4,2ha (mỗi cạnh dài từ 208 - 215m).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Nam Bộ có nhiều di tích thành cổ gắn liền với lịch sử như thành Gia Định (TP. HCM), thành cổ Biên Hòa (Đồng Nai), Lũy Phước Tứ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bảo Tiền và Bảo Hậu (Đồng Tháp)… Tuy nhiên, Vòng thành Đá Trắng là di tích thành cổ duy nhất ở Nam Bộ còn hiện hữu trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh.

Đây được coi là nguồn tư liệu quý giá để làm rõ lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như khu vực Nam Bộ nói chung.

>> Bí ẩn tháp Champa cổ được xây dựng ở vị trí cao nhất Việt Nam từng bị lãng quên suốt 5 thế kỷ

Việt Nam có vùng đất được mệnh danh là ‘huyệt đạo linh thiêng nhất’, ẩn chứa long mạch: Nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, được xếp hạng Di tích Quốc gia

Việt Nam có thêm một Di tích Quốc gia đặc biệt được xây dựng từ nhiều loại gỗ quý, kiệt tác nghệ thuật hơn 400 năm tuổi

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/phat-lo-thanh-co-duy-nhat-con-hien-huu-tren-thuc-dia-nam-bo-rong-khoang-10ha-noi-hang-nghin-co-vat-bi-chon-vui-137490.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát lộ thành cổ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa Nam Bộ, rộng khoảng 10ha, nơi hàng nghìn cổ vật bị chôn vùi
    POWERED BY ONECMS & INTECH