Xã hội

Phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam được đích thân Bác Hồ đặt tên: Là người Đức, từng làm lính Pháp và mối lương duyên đặc biệt với cô gái dân tộc Tày

Minh Phát 16/04/2025 20:31

Trong suốt cuộc đời công tác của mình, phi công này đã có nhiều đóng góp quan trọng cho không quân Việt Nam.

Coi Việt Nam là quê hương thứ 2

Verner Schulze có tên tiếng Việt là Nguyễn Đức Việt (sinh năm 1920 - mất ngày 1/7/1968). Ông là một phi công quân sự người Đức, từng phục vụ cho Quân đội nhân dân Việt Nam và là phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam.

Thời thanh niên, Verner Schulze học nghề trung cấp dệt trước khi theo học lái máy bay liên lạc cho Quân đội Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, ông bị Mỹ bắt làm tù binh, sau đó giao lại cho Pháp. Ông phải lựa chọn một trong hai con đường: hoặc bị cầm tù, hoặc gia nhập lính lê dương của Pháp. Không còn sự lựa chọn nào khác, Schulze đành chấp nhận gia nhập lính lê dương.

Phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam được đích thân Bác Hồ đặt tên: Là người Đức, từng làm lính Pháp và mối lương duyên đặc biệt với cô gái dân tộc Tày - ảnh 1
Chân dung phi công Nguyễn Đức Việt

Giữa năm 1946, ông được điều động sang Việt Nam, đóng quân tại một đơn vị ở Nam Trung Bộ. Là người có học thức và phân định rõ ràng giữa chính nghĩa và phi nghĩa, Verner Schulze không mấy ấn tượng với những gì quân Pháp đã làm ở Việt Nam. Qua thời gian, ông dần hiểu rõ thực chất tình hình, và sau khi tiếp xúc với truyền đơn của Việt Minh, ông bắt đầu nuôi dưỡng ý định phản chiến. Cuối cùng, ông đã kết nối được với Việt Minh và vận động thành công 5 lính Pháp trong đơn vị cùng ra hàng.

Một đêm, nhóm 6 người do Schulze dẫn đầu đã thành công trong việc chuốc rượu và làm cho các lính Pháp say, sau đó bỏ cát vào nòng súng của họ. Họ trốn thoát và gia nhập Việt Minh. Được Bác Hồ đặt tên lần lượt là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa, trong đó Verner Schulze mang tên "Việt". Sau này, ông chọn họ Nguyễn và đổi tên thành Nguyễn Đức Việt, một tên ngụ ý rằng mặc dù là người Đức, nhưng ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Nguyễn Đức Việt là người tài năng và am hiểu sâu về cơ khí. Ban đầu, ông được giao nhiệm vụ làm việc trong bộ phận địch vận của Quân khu 2. Sau đó, nhờ kiến thức vững về cơ khí, ông được chuyển về Cục Quân giới, nơi ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, phục hồi và chế tạo súng AT có thể bắn hạ xe tăng.

Năm 1949, khi Ban Nghiên cứu Không quân được thành lập, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị tổ chức các lớp huấn luyện phi công. Nguyễn Đức Việt với kiến thức sâu rộng về máy bay, đã trở thành giáo viên dạy lái máy bay. Ông nổi tiếng với sự nghiêm khắc trong giảng dạy. Một kỷ niệm đáng nhớ trong lớp học là lần ông đang giảng dạy thì học viên Nguyễn Tâm Trinh thông báo rằng một nhóm khỉ đang làm loạn trong khu vực máy bay, khiến lớp học mất trật tự. Thầy Việt đã dừng lại và nghiêm túc nhắc nhở: "Hãy nhớ, mỗi học viên ngồi đây là đại diện cho hàng triệu người Việt Nam." Câu nói ấy khiến cả lớp im lặng và xấu hổ.

Sau đó, Nguyễn Đức Việt tiếp tục giảng dạy nhiều môn học khác liên quan đến hàng không như kỹ thuật, vật lý hàng không, lý thuyết phi hành, và tổ chức phi trường. Những đóng góp của ông không chỉ tạo nền tảng cho không quân Việt Nam mà còn góp phần vào sự phát triển của các thế hệ phi công Việt Nam.

Phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam được đích thân Bác Hồ đặt tên: Là người Đức, từng làm lính Pháp và mối lương duyên đặc biệt với cô gái dân tộc Tày - ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Việt từng có nhiều đóng góp quan trọng cho không quân Việt Nam. Ảnh minh họa

Mối duyên đẹp với người vợ Tày

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, chàng phi công Nguyễn Đức Việt đã kết duyên với bà Hoàng Thị Thành, một phụ nữ người dân tộc Tày xinh đẹp, quê ở tỉnh Hà Giang. Cặp đôi sinh được hai người con: Nguyễn Việt Hoa và Nguyễn Đức Hồng. Vào năm 1954, ông Nguyễn Đức Việt tham gia đoàn tiếp quản sân bay Gia Lâm và gia đình sinh sống tại ngôi nhà 8 mái nổi tiếng của sân bay này trong một thời gian dài.

Trong một dịp trò chuyện với báo chí, con gái của cựu phi công Nguyễn Đức Việt, bà nhớ về người cha với những kỷ niệm ngọt ngào. “Cha tôi rất chiều con. Sau giờ làm việc, ông thường cõng tôi trên vai và dẫn tôi đi bộ từ nhà 8 mái ra phố. Ông nói tiếng Việt rất sõi và đã quen với thói quen hút thuốc lào của người Việt. Tôi còn nhớ chiếc điếu thuốc ông dùng được làm từ ống luồng, to như bắp chân,” bà Hoa chia sẻ.

Năm 1956, ông Nguyễn Đức Việt trở về Đức, nhưng lúc đó chưa thể đưa vợ và con đi cùng. Một thời gian sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc sân bay Dresden. Mặc dù cuộc sống đầy đủ và có địa vị, nhưng ông luôn canh cánh trong lòng về gia đình đang ở Việt Nam và tìm mọi cách để đoàn tụ.

Ngày 31/6/1968, ông Nguyễn Đức Việt qua đời đột ngột trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của CHDC Đức. Ước nguyện tha thiết của ông là trở lại Việt Nam tham dự kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đón các con sang Đức đã không thể thành hiện thực.

Cả sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Việt gắn liền với những cống hiến quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của không quân Việt Nam và ngành hàng không dân dụng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Ảnh: Sưu tầm Internet

Nguồn: Tổng hợp

>> Chàng phi công điều khiển Su-30MK2, thả đạn nhiễu mãn nhãn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Chàng trai Việt được hãng chip lớn nhất thế giới mời về làm kỹ sư cao cấp: Từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Toán - Tin trong nước, 29 tuổi nhận bằng tiến sĩ tại Mỹ

Chàng trai Việt đầu quân cho Microsoft sau khi rải hơn 600 thư xin việc: Từng lấy học bổng 6,5 tỷ đồng tại Mỹ, 23 tuổi đã có kinh nghiệm thực tập tại Facebook, Nvidia

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/phi-cong-quan-su-dau-tien-cua-khong-quan-viet-nam-duoc-dich-than-bac-ho-dat-ten-la-nguoi-duc-tung-lam-linh-phap-va-moi-luong-duyen-dac-biet-voi-co-gai-dan-toc-tay-140583.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam được đích thân Bác Hồ đặt tên: Là người Đức, từng làm lính Pháp và mối lương duyên đặc biệt với cô gái dân tộc Tày
    POWERED BY ONECMS & INTECH