Tại thời điểm ngày 31/3, Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đang ôm khoản nợ vay 20.100 tỷ đồng. Lãi vay trong 3 tháng đầu năm của doanh nghiệp là 208,2 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu.
Sau 3 tháng đầu năm 2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV) mang về 689,9 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó chủ yếu đến từ nguồn thu tại các trạm BOT 476,7 tỷ đồng (chiếm 69,1%) và mảng xây lắp 196,2 tỷ đồng (chiếm 28,4%).
Lợi nhuận gộp đạt 335 tỷ đồng (biên lợi nhuận gộp 48,6%). Tuy nhiên, chi phí lãi vay lên đến 208,2 tỷ đồng (chiếm 30,2% doanh thu) và trừ đi các chi phí khác khiến lợi nhuận ròng còn lại 114 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của HHV là 37.660,4 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định trị giá 28.227 tỷ đồng, đến từ các hạng mục hầm Cổ Mã và đường dẫn, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân,...
Trong nguồn gốc hình thành lên số tài sản trên, có tới 20.100 tỷ đồng là nợ vay, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu là 9.826,3 tỷ đồng.
Nợ vay của HHV tại ngày 31/3 là 20.100 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hũu |
Trước tình hình nợ vay lớn, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả có chia sẻ với Báo Thanh tra rằng, đối với những doanh nghiệp đầu tư theo lĩnh vực BOT, trước đây, khi Luật PPP chưa ra đời, quy định của Nhà nước vốn chủ sở hữu phải tham gia là 10%, 90% còn lại là vốn vay. Tuy nhiên, sau khi Luật PPP ra đời, có nâng tỷ lệ vốn lên 15%.
Từ đó, khiến giá trị trên sổ sách các khoản vay của Đèo Cả rất lớn. Nhưng có một quy định trong hợp đồng BOT ký với Nhà nước: Lợi nhuận của nhà đầu tư luôn luôn đảm bảo với tỷ suất khoảng 11 - 11,5%. Đồng thời, các khoản vay bao gồm lãi, gốc, của ngân hàng, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi nhà đầu tư được hoàn trả bằng tiền thu phí.
Đặc trưng của các dự án BOT, giai đoạn đầu doanh thu còn bé, lãi suất rất cao do chưa trả được tiền gốc. Việc này đã có sự thỏa thuận theo phương án tài chính với ngân hàng, Đèo Cả không có nợ xấu, không chậm lãi. Bởi nguồn trả nợ đến từ nguồn thu phí, hàng ngày một. Đó là nợ theo kế hoạch và có nguồn trả nợ rõ ràng.
Do quy định vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhất định khi thực hiện dự án, nên HHV càng đầu tư, nợ vay sẽ càng nở ra |
Cũng theo ông Hùng, bởi tỷ lệ quy định trên nên làm hạ tầng giao thông, BOT, càng đầu tư sẽ càng nợ lớn. Tuy nhiên nợ tăng nhưng tài sản cũng sẽ tăng và Đèo Cả tự tin có nguồn trả nợ ổn định.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ thêm, tại dự án hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân và tham gia giải cứu dự án Bắc Giang - Lạng Sơn đều không có sự tham gia nào của vốn Nhà nước.
Do vậy, đối với 2 dự án này, khi ngân hàng cho vay và dừng giải ngân, Đèo Cả bắt buộc phải bơm tăng vốn chủ lên. Hiện nay, vốn chủ sở hữu ở các dự án này lên đến 24%, vượt 14% so với quy định để khi ngân hàng không cho vay tiếp, doanh nghiệp có thể tăng khả năng hoàn thành dự án.
“Mục đích để dự án đi vào, phục vụ người dân là chính. Đó là quan điểm của Đèo Cả, khó khăn vẫn phải làm”, ông Hùng nói rõ.
>> Tập đoàn Đèo Cả: Đầu tư 94.000 tỷ đồng làm 400km cao tốc và nhắm đến dự án đường sắt dài 2.362km