Tập đoàn Đèo Cả đã ký các thỏa thuận tín dụng hạn mức 33.000 tỷ đồng với nhiều ngân hàng để đảm bảo nguồn lực tài chính triển khai các dự án.
Ngày 26/4, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức hội nghị với các đối tác chiến lược là các nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ và các đơn vị đào tạo.
Tại hội nghị, Tập đoàn đã trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới. Đến năm 2030, Đèo Cả dự kiến đầu tư khoảng 400km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. Các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… Tập đoàn Đèo Cả đã được chọn làm nhà đầu tư đề xuất dự án.
Toàn cảnh hội nghị (Nguồn: Tập đoàn Đèo Cả) |
Về mảng thi công xây lắp, dự kiến giai đoạn 2024 - 2026, với vai trò tổng thầu thi công Đèo Cả sẽ đảm nhận khối lượng thi công xây lắp khoảng 31.000 tỷ đồng. Về công tác vận hành, dự kiến giá trị O&M đến năm 2026 khoảng 574 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 khoảng 957 tỷ đồng/năm.
Mảng đường sắt dư địa còn rất lớn. Quy hoạch của Chính phủ mục tiêu đến năm 2030 đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.362km, có giá trị khoảng 815.000 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hạ tầng đường sắt khoảng 489.000 tỷ đồng. Đồng thời, dự kiến đầu tư 600km tuyến metro tại 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. HCM có giá trị khoảng 50 tỷ USD.
Trước kế hoạch kinh doanh trên, nhiều doanh nghiệp cùng cam kết đồng hành với Tập đoàn Đèo Cả trong thời gian tới. Cụ thể:
Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng, rất muốn được hợp tác với Đèo Cả để phát triển hơn và sẵn sàng tham gia vào các công việc sắp tới”.
Ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng công trình 568: “Hiện nay, Công ty 568 đang thực hiện các dự án với giá trị 7.000 - 8.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm tới. Lượng công việc lớn đòi hỏi phải cải tiến phương pháp quản trị, rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của Đèo Cả. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành một cách có trách nhiệm nhất với các dự án mình tham gia”.
PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. HCM: “Chúng tôi xác định sẽ tập trung nguồn lực để đào tạo cho nhân lực nhiều cấp của tập đoàn trong đó chú trọng tính thực chiến. Chúng tôi sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng đơn đặt hàng của Đèo Cả”.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính triển khai các dự án trong giai đoạn tới, Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết các thỏa thuận cấp tín dụng với các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng như: VDB, TPBank, VPBank, BIDV, Vietinbank... thu xếp hạn mức trên 33.000 tỷ đồng, trong đó hạn mức tín dụng trung và dài hạn 20.000 tỷ đồng và hạn mức tín dụng ngắn hạn 13.000 tỷ đồng.