Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của Việt Nam có bài toán được đưa vào đề thi Olympic Toán Quốc tế, là người thầy lớn của nhiều 'thần đồng'
Ông được biết đến là một người có rất nhiều đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Toán học, Nhà giáo Nhân dân Phan Đức Chính (1936-2017) là người thầy đã đào tạo được những học sinh giỏi Toán quốc tế đầu tiên cho Việt Nam. Ông cũng được biết đến là một người có rất nhiều đóng góp, một tượng đài của giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo Phan Đức Chính tốt nghiệp đại học năm 1956, khi vừa tròn 20 tuổi, thuộc thế hệ các nhà khoa học được đào tạo ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954).
Xuất thân từ một gia đình có công nuôi giấu cán bộ ngay trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm, năm 1961, ông Phan Đức Chính được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng.
Mấy năm ở Moskva, ông vừa viết luận án Tiến sĩ, vừa cùng thầy là Giáo sư G. E. Shylov biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Độ đo, tích phân, đạo hàm trong không gian tuyến tính". Đó là cuốn sách toán đầu tiên mà người Việt Nam là đồng tác giả được xuất bản tại Liên Xô.
Trở về nước năm 1965, ông giảng dạy tại Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông làm việc tại tổ Giải tích, giảng dạy giải tích cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, là một trong các thầy đầu tiên dạy đại số cho lớp chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam.
Trong nhiều năm sau đó, thầy vẫn tiếp tục các công việc này một cách say sưa và đạt được nhiều kết quả rực rỡ. Ngoài ra, thầy còn giảng dạy giải tích hàm và nhiều chuyên đề khác như Lý thuyết nhóm, Hàm suy rộng, Độ đo và tích phân.
Ngoài việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, thầy Chính còn có thêm nhiệm vụ dạy các học sinh cấp III chuyên Toán. Trong nhiều năm dạy khối Phổ Thông Chuyên Toán, ông đã đào tạo được nhiều học sinh xuất sắc, đạt được các giải cao trong các kỳ thi Toán Quốc tế.
Mùa hè năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, ngành giáo dục nước ta "mạo hiểm" cử một đội tuyển gồm 5 học sinh đi dự Olympic Toán Quốc tế - IMO lần thứ 16 tổ chức tại Berlin (CHDC Đức), do thầy Lê Hải Châu và Tiến sĩ Phan Đức Chính lãnh đạo. Việt Nam dự Olympic Toán Quốc tế, với niềm hy vọng mong manh giành 1 Huy chương Đồng. Thế nhưng, kết quả thật quá bất ngờ, 5 học sinh dự thi thì 4 đoạt huy chương cao.
Ông tiếp tục làm Phó trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế trong các năm 1975-1976 và là Trưởng đoàn các năm 1994, 1996 và 1997.
Năm 1977, ông là tác giả người Việt Nam đầu tiên có bài toán được chọn làm đề thi Olympic. Bài toán của ông là bài số 2 trong đề thi năm đó, cụ thể như sau:
"In a finite sequence of real numbers, the sum of any seven successive terms is negative, and the sum of any eleven successive terms is positive. Determine the maximum number of terms in the sequence".
Bản dịch:
Cho một dãy hữu hạn các số thực, tổng của 7 số hạng liên tiếp luôn là số âm và tổng của 11 số hạng liên tiếp bất kỳ luôn là số dương. Xác định số lượng số hạng tối đa của dãy số để thỏa mãn điều kiện đã cho.
Biết bao thế hệ sinh viên, học sinh được thầy đào tạo, nhiều người đảm trách vị trí quan trọng, trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý tốt, trong số đó có những cái tên nổi bật như Trần Văn Nhung, Đào Trọng Thi, Hoàng Lê Minh, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Phan Vũ Diễm Hằng, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Lê Hồng Vân...
>> Ba bài toán khó của Việt Nam từng được đưa vào đề thi Olympic Toán quốc tế
Ông được phong học hàm Phó Giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980), danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (năm 1994), Nhà giáo Nhân dân (năm 2008), Huân Chương Lao Động hạng Ba (năm 1999) và Huân Chương Lao Động hạng Nhì (năm 2003). Năm 2019, tên ông được dùng đặt cho một giảng đường lớn tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Ông qua đời ngày 26/8/2017, hưởng thọ 82 tuổi, tại TP. HCM.
Sau khi ông mất, gia đình đã tuyên bố thành lập Giải thưởng Phan Đức Chính hàng năm trị giá 100 triệu đồng tặng cho thầy và trò của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ngôi trường mà được hình thành từ khối chuyên Toán A0 do ông sáng lập. Giải thưởng bắt đầu trao từ năm 2018, tối đa mỗi năm cho 2 thầy trị giá 40 triệu đồng và 2 Trò trị giá 30 triệu đồng. Danh sách bình chọn thầy và trò là Hội đồng bình chọn có sự thông qua của nhà trường và gia đình.