Thế giới

Phó Tổng thống Harris: Ông Trump đã bị 81 triệu người Mỹ sa thải

Hoàng Yến 11/09/2024 08:28

Sáng nay (11/9) theo giờ Việt Nam, cuộc tranh luận trực tiếp giữa Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris và cựu Tổng thống Donald Trump chính thức diễn ra tại Philadelphia.

Đây đã là cuộc tranh luận thứ hai trong khuôn khổ cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên bà Harris (ứng cử viên của đảng Dân chủ) đối đầu trực tiếp trên sân khấu với ông Trump (ứng cử viên của đảng Cộng hòa). Sau cuộc tranh luận đầu tiên, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã quyết định rút lui.

Cuộc tranh luận được rất nhiều người theo dõi diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đây là một cuộc chạy đua hết sức gắt gao trong khi chỉ còn 8 tuần nữa là đến ngày bầu cử.

[Trực tiếp] Tranh luận trực tiếp Donald Trump - Kamala Harris: Nóng bỏng vấn đề kinh tế - ảnh 1
Bà Harris và ông Trump lần đầu tranh luận trực tiếp

Quy tắc của cuộc tranh luận là sẽ không có khán giả, micro của ứng viên bị tắt khi đó không phải là lượt phát biểu của họ, và cả hai ứng viên không được phép ghi chép.

Ứng cử viên sẽ có hai phút để trả lời câu hỏi, hai phút để phản biện, và thêm một phút bổ sung cho các câu hỏi phụ, làm rõ, hoặc phản hồi.

Theo ABC News, ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bốc thăm để xác định vị trí đứng trên bục và giành được thứ tự phát biểu kết thúc trong cuộc tranh luận. Ông Trump chọn phát biểu kết thúc cuối cùng, còn bà Harris chọn vị trí bên phải trên màn hình.

Cuộc tranh luận được phát trực tiếp trên đài ABC vào lúc 9h tối (giờ ET), tức 8h sáng nay theo giờ Việt Nam.

Hai ứng viên bắt tay nhau

854ed0f5-595f-4edd-8660-2bab4fab5367.jpg
Hai ứng viên bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận chính thức bắt đầu. Bước lên sân khấu, Phó Tổng thống Kamala Harris bước tới phía cựu Tổng thống Donald Trump và chìa tay ra. Ông Trump chấp nhận bắt tay.

Bà Harris giới thiệu mình bằng tên và nói: "Chúng ta hãy có một buổi tranh luận tốt đẹp". Ông Trump đáp lại: "Rất vui được gặp bà. Chúc vui vẻ."

Đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp.

Vấn đề đầu tiên được đem ra 'mổ xẻ': Kinh tế

Giá cả tăng cao là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người Mỹ, những người đang vật lộn để trang trải chi phí sinh hoạt sau giai đoạn lạm phát tăng vọt. Theo một cuộc thăm dò mới của CNN tại sáu bang chiến trường, các vấn đề kinh tế vẫn là chủ đề được cử tri lựa chọn nhiều nhất khi được hỏi điều gì quan trọng trong việc chọn Tổng thống.

Kế hoạch kinh tế của hai ứng viên

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều đã công bố thêm các kế hoạch kinh tế của mình vào tuần trước.

Bà Harris tập trung vào việc kiểm soát giá cả và hỗ trợ các cộng đồng thu nhập thấp.

Trong khi đó, ông Trump tập trung vào việc giảm thuế doanh nghiệp, và chấm dứt đánh thuế trên phúc lợi an sinh xã hội và tiền tip. Ông còn đề xuất cấm thế chấp cho người nhập cư không giấy tờ, với lý do họ đẩy giá nhà lên cao.

Ông Trump gọi mức lạm phát cao dưới thời ông Biden là "thảm họa"

Là người phát biểu trước, Phó Tổng thống Kamala Harris nhấn mạnh kế hoạch giúp các gia đình Mỹ đang lo lắng về nền kinh tế và chi phí sinh hoạt. Bà khẳng định niềm tin vào "giấc mơ của người dân Mỹ" và đề xuất xây dựng một "nền kinh tế cơ hội", bao gồm các giải pháp như giảm giá nhà ở và mở rộng tín dụng thuế cho trẻ em.

Bà cũng chỉ trích các đề xuất của cựu Tổng thống Donald Trump, như việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn, và cho rằng chúng sẽ gây hại cho tầng lớp trung lưu Mỹ.

6e43e507-212f-43a0-80af-dfe408d19074.jpg
Bà Harris chỉ trích nhiều đề xuất chính sách của ông Trump

Đáp lại, ông Trump hứa sẽ áp thuế đối với các quốc gia khác, như Trung Quốc, và nhắc nhở rằng Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên các thuế này.

Ông cũng nhấn mạnh mức lạm phát cao dưới thời chính quyền Biden-Harris, gọi đó là "thảm họa" đối với tầng lớp trung lưu và mọi tầng lớp khác.

Bên cạnh đó, ông cam kết kéo dài các chính sách cắt giảm thuế từ Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm (TCJA) năm 2017, đặc biệt là giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp.

90f11bd9-b64c-408a-844f-eb0159083e3c.jpg
Ông Trump phát biểu tại cuộc tranh luận

Bà Harris công kích "Dự án 2025"

Project 2025 là một kế hoạch do tổ chức Heritage Foundation đề xướng, nhằm xây dựng một lộ trình cho nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump nếu ông thắng cử vào năm 2025. Dự án này bao gồm một tài liệu dài 920 trang, được phát triển bởi những người từng phục vụ trong chính quyền Trump.

Dù ông Trump công khai tỏ ra xa lánh dự án này và gọi một số ý tưởng trong đó là "cực đoan", nhiều đề xuất của dự án đã thu hút sự chỉ trích từ Đảng Dân chủ. Các đề xuất của Project 2025 bao gồm việc hạn chế khiêu dâm, siết chặt nhập cư, và định hình lại nhánh hành pháp theo hướng bảo thủ hơn.

Tuy nhiên dự án này đã trở thành mục tiêu chỉ trích của các ứng viên Đảng Dân chủ, trong đó chiến dịch của Kamala Harris đã cố tình liên kết tất cả các chính sách của Trump với Project 2025 nhằm làm nổi bật tính cực đoan của nó trước cử tri.

Trong cuộc tranh luận lần này, bà Harris chỉ trích ông Trump đã tham gia vào dự án. Tuy nhiên ông Trump một lần nữa phủ nhận việc biết về Dự án 2025: "Ai cũng biết tôi là một người minh bạch", ông nói.

Ông Trump: Tôi có thể đã bị bắn vào đầu vì những gì đảng Dân chủ nói về tôi

Theo ông Trump, vụ ám sát hụt nhằm vào ông ở bang Pennsylvania hồi tháng 7 xảy ra do bà Harris và các thành viên đảng Dân chủ khác gọi ông là "mối đe dọa với nền dân chủ". "Tôi có thể đã bị bắn vào đầu vì những gì họ nói về tôi. Họ nói về dân chủ, gọi tôi là mối đe dọa nhưng chính họ mới đang đe dọa nền dân chủ".

Ông Trump đổ tội cho đảng Dân chủ trong vụ ám sát hụt

Trong khi đó, bà Harris đã mỉa mai các cuộc vận động tranh cử của ông Trump. "Bạn sẽ thấy ông Trump nói về những nhân vật phim ảnh trong những sự kiện như vậy, rồi nhận ra rằng mọi người sẽ sớm rời sự kiện vì mệt mỏi và nhàm chán. Chỉ một điều người dân không được nghe từ ông ấy, đó là nhu cầu, ước mơ và khát khao của họ".

Theo bà, người dân Mỹ cần có một Tổng thống luôn đặt quyền lợi của họ lên hàng đầu và Harris cam kết sẽ trở thành người như vậy.

Đáp lại, ông Trump cho rằng mọi người không đến các cuộc mít tinh của bà Harris vì họ chẳng có lý do gì để đến. Đồng thời ông khẳng định không có ai rời khỏi các buổi vận động tranh cử của mình, thậm chí đó là "những cuộc mít tinh lớn nhất, đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử chính trị".

'Trump bị 81 triệu người sa thải'

Ông Trump tiếp tục khẳng định ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, dù người điều phối David Muir chỉ ra lập luận cuộc bầu cử năm đó bị gian lận đã bị các thẩm phán trên toàn nước Mỹ bác bỏ.

Bà Harris ngay lập tức chớp lấy cơ hội này để công kích đối thủ. "Donald Trump đã bị 81 triệu người sa thải, đó là điều rõ ràng... Chúng ta không thể có một Tổng thống hủy hoại nguyện vọng của cử tri trong cuộc bầu cử tự do và công bằng như cách Trump từng làm", bà nói.

Theo Harris, bà đã đi khắp thế giới với tư cách Phó tổng thống Mỹ và các lãnh đạo thế giới "đang cười nhạo" ông Trump. Bà còn nói rằng đối thủ không nhận được sự ủng hộ từ những người từng làm việc dưới quyền và liệt kê các cựu quan chức đã chỉ trích ông.

Trump phản bác và khẳng định phần lớn những người chỉ trích từng bị ông sa thải. "Họ làm việc quá tệ. Tôi đã đuổi họ còn chính quyền Biden chưa sa thải một người nào".

Ông Trump: 'Israel sẽ biến mất dưới thời Harris'

c183399d-b762-4f2d-a3ef-273504-2358-1784-1726022017.jpg
Hai ứng viên tranh luận rất ác liệt

Cuộc tranh luận chuyển sang vấn đề chính sách đối ngoại.

"Bà ấy ghét Israel. Nếu bà ấy trở thành Tổng thống, tôi tin rằng Israel sẽ không còn tồn tại trong vòng 2-3 năm tới. Israel sẽ biến mất", ông Trump cho hay. Theo ông, lý do là bà Harris chẳng thể làm được gì để bảo vệ đồng minh thân cận của Mỹ.

Phó tổng thống Mỹ đáp lại rằng cáo buộc của Trump "hoàn toàn không đúng sự thật", nhấn mạnh bà ủng hộ Israel trong suốt cuộc đời cũng như sự nghiệp của mình.

"Ông Trump có thể kết thúc xung đột Ukraine trong 24 giờ vì ông ấy sẽ mặc kệ nó"

Tiếp theo, người điều phối David Muir đặt câu hỏi cho ông Trump: "Ông đã nói sẽ giải quyết cuộc xung đột này, vậy chính xác ông sẽ làm gì? Tôi cũng muốn hỏi ông một câu rất đơn giản: Ông có muốn Ukraine giành chiến thắng không?"

Ông Trump đáp: "Tôi muốn chấm dứt chiến tranh. Tôi muốn cứu lấy những sinh mạng, hàng triệu người đã chết", ông Trump đáp.

Người điều phối tiếp tục yêu cầu ông Trump trả lời chính xác liệu ông có tin rằng Ukraine giành chiến thắng sẽ có lợi nhất cho Mỹ hay không. "Tôi nghĩ lợi ích tốt nhất của Mỹ là chấm dứt cuộc chiến này. Hãy đàm phán một thỏa thuận, vì chúng ta cần cứu lấy những sinh mạng đó", ông Trump trả lời.

Gần đây ông Trump thường nói sẽ khiến cuộc chiến kết thúc trong 24 giờ. Bà Harris đã tận dụng điều này để công kích ông Trump: "Tôi nghĩ lý do là vì ông ấy sẽ mặc kệ nó. Chúng tôi đã tập hợp 50 quốc gia để hỗ trợ Ukraine và nhờ sự hỗ trợ từ chúng tôi, cùng những vũ khí chúng tôi đã cung cấp, Ukraine vẫn là quốc gia độc lập".

Bà cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Ukraine.

Ông Trump công kích bà Harris không thiết lập được hòa bình sau khi đàm phán với các lãnh đạo Ukraine và Nga. Nhưng lập luận này đã bị phản bác gay gắt.

"Tôi đã nói từ đầu cuộc tranh luận rằng các bạn sẽ nghe thấy hàng loạt lời nói dối từ ông Trump. Đây cũng là lời nói dối", bà Harris nói khi điều phối viên hỏi bà từng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hay chưa, trong khi từng gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vài lần.

Phó tổng thống Harris cũng cho biết bà đồng tình với quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan năm 2021 của Tổng thống Biden. Đây là điều gây nhiều tranh cãi nhưng bà cho rằng "4 Tổng thống đã nói sẽ làm như vậy và Joe Biden là người thực hiện. Kết quả là người dân Mỹ không phải chi 300 triệu USD mỗi ngày nữa. Hiện nay, không còn quân nhân Mỹ nào hoạt động ở khu vực có chiến sự. Đó là điều lần đầu xảy ra trong thế kỷ này".

Sau đó bà chỉ trích cách ông Trump xử lý quan hệ quốc tế, cáo buộc cựu Tổng thống Mỹ gây ra "một trong những thỏa thuận tệ hại nhất mà mọi người có thể tưởng tượng" khi bỏ qua chính quyền Afghanistan và đàm phán trực tiếp với Taliban.

"Nước Mỹ sẽ không quay lại quá khứ"

Ở phần cuối của cuộc tranh luận, mỗi ứng viên sẽ có một bài phát biểu kết thúc.

Bà Harris không công kích đối thủ mà khẳng định qua sự kiện hôm nay người dân Mỹ đã chứng kiến "hai tầm nhìn rất khác biệt cho đất nước". "Một tầm nhìn tập trung vào tương lai, trong khi tầm nhìn còn lại đang nỗ lực đưa đất nước về quá khứ. Chúng ta sẽ không quay lại đó", bà nói, ám chỉ ông Trump mang tầm nhìn hướng về quá khứ.

"Tôi tin người dân Mỹ hiểu rằng chúng ta có nhiều điểm chung hơn những điểm bất đồng. Chúng ta có thể vạch ra con đường mới để tiến về phía trước", Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Ông Trump phát biểu kết thúc: "Bà Harris làm Phó tổng thống ba năm rưỡi rồi nhưng vẫn chưa làm được gì!"

Ngược lại, ông Trump đã dành cả bài phát biểu để tiếp tục chỉ trích đối thủ.

"Bà ấy cứ nói sẽ làm nhiều việc tuyệt vời, nhưng tại sao vẫn chưa làm được gì? Phó tổng thống đã có ba năm rưỡi để chỉnh đốn vấn đề biên giới, tạo công ăn việc làm và tất cả những điều chúng ta đã đề cập. Nhưng tại sao bà ấy còn chưa làm được? Bà ấy nên rời khỏi đây ngay bây giờ, trở về Nhà Trắng và Đồi Capitol và làm những gì người dân mong muốn. Nhưng bà ấy vẫn chưa làm được và cũng sẽ không làm được, bởi bà ấy tin vào những điều người Mỹ không tin", ông nói.

Ông cũng tái khẳng định quan điểm bi quan về nước Mỹ: "Chúng ta là quốc gia đang lao dốc, suy thoái nghiêm trọng và bị chế giễu trên toàn thế giới", ông nhấn mạnh.

Kết thúc bài phát biểu, ông gọi bà Harris là "Phó tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử đất nước chúng ta".

Theo CNN

>> 60 ngày trước bầu cử: Hiểu về cuộc chạy đua ghế Tổng thống Mỹ

Cuộc 'so găng' then chốt giữa ông Trump và bà Harris

Những sản phẩm "đậm chất Donald Trump" trong chiến dịch tranh cử

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/truc-tiep-tranh-luan-truc-tiep-donald-trump-kamala-harris-nong-bong-van-de-kinh-te-126676.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phó Tổng thống Harris: Ông Trump đã bị 81 triệu người Mỹ sa thải
POWERED BY ONECMS & INTECH