Có rất nhiều chung cư, nhà trọ tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội hay TP. HCM không có lối thoát hiểm, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn...
Rạng sáng ngày 24/5, vụ cháy tại một ngôi nhà trọ cho thuê trọ nằm sâu trong ngõ 119 phố Trung Kính (Q. Cầu Giấy, Hà nội) khiến ít nhất 14 người thiệt mạng lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hỏa hoạn trong các chung cư, nhà ở "không lối thoát", theo báo Vietnamnet.
Trước đó vào tháng 9/2023, vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã khiến 56 người tử vong và nhiều người khác bị thương nặng.
Thực tế phản ánh tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM có rất nhiều chung cư, nhà trọ nhiều tầng không có lối thoát hiểm và không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Trước thực trạng xảy ra quá nhiều vụ cháy, gây ra thiệt hại về người và của, các chuyên gia đã đưa ra một vài lời khuyên về công tác phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini không có lối thoát hiểm.
Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, ông Đào Ngọc Tùng thuộc Trung tâm Huấn luyện PCCC tại Hà Nội - PCCC Vinasafe cho biết hiện nay đa số các chung cư mini hay nhà trọ cũ đều tận dụng tối đa diện tích bên trong và không có thang bộ thoát hiểm ra ngoài.
Cần thiết làm thang thoát hiểm gắn ngoài
Theo ông Tùng, đối với những trường hợp này, các chủ hộ cho thuê hoặc người thuê có thể làm thang bộ thoát hiểm bằng sắt gắn bên hông các chung cư, nhà trọ nhiều phòng nếu còn diện tích đất hoặc gắn ở cạnh mặt trước của toà chung cư mini nếu hết đất hai bên.
Nếu xảy ra trường hợp xấu nhất, người dân vẫn có thể di chuyển được bằng thang này xuống dưới mặt đất một cách an toàn.
Ngoài ra, có nhiều phương án khác có thể hạn chế thiệt hại về người khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ. Ông Tùng khuyến nghị người dân nên mua thang dây thoát hiểm.
Lực lượng PCCC cũng khuyến cáo với thang thông thường, nên dùng từ tầng 5 trở xuống. Đối với các tầng cao hơn có thể dùng thang dây hạ chậm có đai bảo vệ an toàn.
Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có nhiều ống tụt - ống thoát hiểm. Các ống tụt này có thể được gắn cố định trước đó và trong trường hợp xảy ra cháy, sẽ thả xuống đất (người sẽ cho chân xuống trước, đầu sau rồi tụt xuống).
>> Chính sách mới hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo, người có công: ‘Không để ai bỏ lại phía sau’
Trang bị các mặt nạ chống khí độc
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo đối với các căn hộ chung cư, người dân nên trang bị các mặt nạ phòng chống khí độc cùng với thang dây, tuỳ từng loại hình nhà ở thì nên trang bị các vật dụng sao cho phù hợp.
Người dân cũng cần tìm hiểu kỹ các thông số, không nên mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc do khi đưa vào sử dụng sẽ không đảm bảo hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm cho người dùng. Người dân cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng tránh tình trạng lúng túng khi xảy ra trường hợp cấp bách.
Hiện nay, đa phần các chung cư nhỏ hay khu nhà trọ đều dành tầng 1 làm nơi để xe. Các xe điện khi xảy ra cháy thường dẫn đến nổ pin khiến cho công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Do đó, cá nhân có xe cần giám sát trong quá trình sạc xe, không nên để sạc qua đêm.
Người dân đừng để "chờ được mạ thì má đã sưng"
Theo PGS.TS Ngô Văn Xiêm - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH PCCC, Luật Phòng cháy chữa cháy đã quy định rất rõ nhà ở phải có 2 lối thoát hiểm. Lối thoát hiểm thứ nhất là cửa chính, lối thứ 2 ở vị trí nào, như thế nào cần dựa trên cơ sở cấu trúc, kết cấu của tòa nhà, đồng thời lối thứ 2 cần có chiều rộng tối thiểu 60cm.
Đa phần những trường hợp vụ cháy gây thương vong nhiều do công trình nhà ở không có lối thoát hiểm, nhiều công trình không đảm bảo điều kiện phòng cháy. Trong những trường hợp này, người dân cần tự nâng cao ý thức của mình, khi có tập huấn về công tác này, người dân cần có mặt để nghe hướng dẫn đầy đủ.
Nâng cao ý thức khi sử dụng thiết bị điện, bếp gas, đóng khóa cẩn thận sau khi dùng. Các hộ gia đình cũng nên lập hệ thống báo cháy sớm, đồng thời thiết lập, đẩy mạnh vai trò của tổ liên gia an toàn PCCC tại các khu dân cư.
Các căn hộ cũng cần thống nhất với nhau về việc thiết lập hành lang an toàn để người từ nhà này có thể thoát sang nhà kia khi không may xảy ra sự cố.
Các nguyên tắc về an toàn PCCC đối với nhà ở cần được từng thành viên trong gia đình cùng ghi nhớ, thường xuyên kiểm tra các vật dụng dễ gây cháy nổ.
Căn cứ điều 44 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy, sẽ phạt tiền:
Từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;
b) Không trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
>> Ngõ 119 Trung Kính, TP. Hà Nội bốc cháy giữa đêm, 14 người thương vong
Vụ cháy nhà trọ 'kinh hoàng' khiến 14 người thiệt mạng tại Hà Nội: 4 người thoát nạn
Ngõ 119 Trung Kính, TP. Hà Nội bốc cháy giữa đêm, 14 người thương vong