Xã hội

Cây cầu trăm tuổi ở Việt Nam có mặt cầu được làm từ gỗ quý, tốn 500.000 viên gạch nung

Thùy Dung 08/07/2024 14:23

Dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại nhưng cây cầu hiện vẫn đang phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

Cầu Trung Kinh bắc qua sông Liên Giang trên địa bàn xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đây là cây cầu hiếm hoi trên cả nước được xây dựng hoàn toàn từ gạch đất nung già theo quy trình thủ công của các cụ thời xưa sử dụng tốt cho tới ngày nay.

Cầu có chiều dài 67m, rộng trên 3m, cao độ trên 5m, được chia thành 3 nhịp, nối giữa các nhịp có 2 khoang rộng hơn 5m, tàu thuyền có tải trọng hàng trăm tấn có thể lưu thông. Ở mỗi một phần trụ cầu được thiết kế 2 vòm quấn rộng 2m vừa thẩm mỹ vừa thông thủy, tạo điểm nhấn cho cây cầu. Phần trụ móng cầu được đóng toàn bộ bằng cọc tre hóa dày sát nhau, phần trụ cầu được xây bằng gạch thất nung, vôi và mật mía tạo nên khối trụ cầu vững chắc, mặt cầu được tạo bằng gỗ lim.

Toàn cảnh cây cầu Trung Kinh tại Thái Bình. Ảnh: Báo Giao thông

Toàn cảnh cây cầu Trung Kinh tại Thái Bình. Ảnh: Báo Giao thông

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, cây cầu này được xây dựng hơn 100 năm trước. Người đứng ra khởi xướng xây dựng cây cầu Trung Kinh là cụ Hà Đình Rực cũng là người làng Trung Kinh.

Trả lời phỏng vấn với PV Báo Giao thông, cụ Vũ Xuân Cao (sinh năm 1938, trú thôn Trung Kinh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết, cây cầu có tên là cầu Trung Kinh được xây khá lâu đời, những người có tuổi đời như cụ hiện nay hoặc hơn cụ cả chục tuổi ở xã Lê Lợi cũng chỉ được nghe kể lại về lịch sử hình thành lên cây cầu Trung Kinh.

"Để xây lên cây cầu này, các cụ làng Trung Kinh phải dùng trên 50 vạn gạch thất nung, gạch phải là gạch già, phẳng phiu. Gạch thất nung được đóng thủ công bằng tay, đất thịt được nhào nặn kỹ càng, dùng khuôn gỗ tạo lên những viên gạch, phơi khô, xếp thành nhiều lò, nung gạch và vôi bằng củi khô.

Vôi đá sau khi nung chín được đem tô để nguội. Sau khi đã lựa chọn được gạch đem xây cầu, các cụ đem vôi nung đảo với cát, mật mía và tro rơm rạ để tạo độ kết dính khi xây trụ cầu được chắc chắn", cụ Cao giải thích.

Ở mỗi một phần trụ cầu được thiết kế 2 vòm quấn rộng 2m vừa thẩm mỹ vừa thông thủy. Ảnh: Báo Giao thông

Ở mỗi một phần trụ cầu được thiết kế 2 vòm quấn rộng 2m vừa thẩm mỹ vừa thông thủy. Ảnh: Báo Giao thông

Bên cạnh đó, cụ Cao cho biết thêm: "Cầu chắc chắn lắm, những năm giặc Pháp xâm lược, đại bác bắn trúng cầu nhưng cầu Trung Kinh vẫn đứng vững, không bị đổ mà chỉ hư hại một chút vách trụ cầu", cụ Cao cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết, mặc dù cây cầu Trung Kinh xây dựng đã lâu nhưng vẫn đảm bảo an toàn, phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại của nhân dân.

Vì cây cầu được xây dựng đã hơn 100 tuổi có thể đã yếu cho nên để đảm bảo cho cầu địa phương phải làm barie để hạn chế tải trọng đảm bảo cho cây cầu được an toàn.

Hiện cây cầu vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Ảnh: Báo Giao thông

Hiện cây cầu vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Ảnh: Báo Giao thông

"Năm 2020, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Kiến Xương đã đầu tư 2 tỷ đồng để địa phương tu sửa mặt cầu và đường dẫn hai bên mố cầu, tạo cho người dân đi lại từ tỉnh lộ 457 đến đường cứu hộ cứu nạn (ngũ thôn) được êm thuận an toàn, cùng với đó lắp đặt barie hạn chế tải trọng, giữ cho cây cầu được an toàn, bền lâu", ông Doanh cho biết.

>> Cây cầu 2 tầng duy nhất Hà Nội, từng được đánh giá hiện đại nhất Đông Nam Á

Liên tiếp 10 cây cầu đổ sập trong vòng hai tuần tại bang nghèo nhất quốc gia tỷ dân

Đề xuất 'nâng cấp' hai cây cầu đường sắt huyết mạch của miền Bắc, đầu tư hơn 400 tỷ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cay-cau-tram-tuoi-o-viet-nam-co-mat-cau-duoc-lam-tu-go-quy-ton-500000-vien-gach-nung-d127103.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cây cầu trăm tuổi ở Việt Nam có mặt cầu được làm từ gỗ quý, tốn 500.000 viên gạch nung
POWERED BY ONECMS & INTECH