Quốc tế

Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?

Lan Nhi 22/08/2023 17:32

Dưới sự lãnh đạo của John Warnock, công ty hơn 40 năm tuổi này đã trở thành một trong những công ty công nghệ tỷ đô giá trị nhất nước Mỹ.

John Warnock, người tạo ra phần mềm Photoshop và là nhà đồng sáng lập của Adobe, vừa qua đời vào ngày 19/8, ở tuổi 83, theo tờ Reuters.

Giám đốc điều hành Adobe Shantanu Narayen cho biết trong một email gửi cho nhân viên: "Thật là một ngày buồn cho cộng đồng Adobe và ngành công nghiệp mà ông ấy đã là nguồn cảm hứng trong nhiều thập kỷ”.

“Vô số đổi mới mang dấu ấn của Warnock. Tuy nhiên, ngoài thiên tài công nghệ của anh ấy, chính tinh thần, niềm đam mê và cam kết kiên định của anh ấy đối với một công ty định hướng giá trị đã để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với chúng tôi tại Adobe. Sở trường của Warnock chính là xác định các công nghệ tạo ra giá trị và làm hài lòng khách hang”, ông Shantanu chia sẻ.

Để ghi nhận những thành tựu kỹ thuật của mà ông tạo ra, Tiến sĩ Warnock đã được Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia danh giá; Giải thưởng Doanh nhân Máy tính từ Hiệp hội Máy tính IEEE; Huân chương Thành tựu của Hiệp hội Điện tử Mỹ; và Giải thưởng Marconi cho những đóng góp cho khoa học thông tin và truyền thông.

Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?

Tiến sĩ Warnock đồng sáng lập Adobe vào năm 1982 với Tiến sĩ Charles Geschke sau khi gặp gỡ các đồng nghiệp tại Xerox. Sản phẩm đầu tiên của họ là Adobe PostScript, công nghệ đột phá đã châm ngòi cho cuộc cách mạng xuất bản trên máy tính để bàn. Đây là một ngôn ngữ lập trình được thiết kế để in văn bản trên máy in laser giúp văn bản trong chỉnh chu và chuyên nghiệp hơn. Đây được coi là bước đột phá lớn khi vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, người ta chủ yếu in văn bản bằng máy in kim khiến văn bản trông thô, mờ và thiếu chính xác.

Các sản phẩm của bộ Adobe Creative Suite ngày nay bao gồm phần mềm đồ họa Adobe Illustrator, phần mềm đọc và chỉnh sửa file PDF Adobe Acrobat Reader, phần mềm xử lý video Adobe Premiere, Adobe After Effects và không thể không nhắc tới cái tên quen thuộc là phần mềm đồ họa Photoshop cùng hàng chục sản phẩm khác.

Để có được thành công như hiện tại, John Warnock và những người cộng sự đã phải trải qua quá trình nỗ lực, miệt mài không ngừng cùng với định hướng phát triển đúng đắn và chiến lược kinh doanh khôn khéo.

Các thương vụ mua lại giúp duy trì năng lực cạnh tranh

Để duy trì được năng lực cạnh tranh trong nhiều năm liền, ngoài tự phát triển các sản phẩm nội bộ, Adobe còn thực hiện hàng chục vụ đầu tư và mua lại. Giống như bao công ty công nghệ lớn khác, mua lại giúp Adobe tiến chân vào các mảng sản phẩm mới.

Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?
Các thương vụ mua lại của Adobe từ năm 2005 tới nay.

Năm 1994, công ty sáp nhập với đối thủ Aldus. Các sản phẩm của Aldus như phần mềm xuất bản PageMaker và phần mềm hoạt họa After Effects được đưa vào dòng sản phẩm của Adobe. Về sau, chúng được phát triển thành Adobe InDesign và Adobe After Effects.

Năm 1995, Adobe mua lại Photoshop. Phần mềm này nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành một động từ quen thuộc. Giống như ‘Google thông tin này đi’, người ta nói ‘Photoshop hộ tôi cái hình này’. Được biết có tới hơn 90% người làm công việc sáng tạo và thiết kế trên thế giới đều dùng phần mềm này.

Năm 2005-2006, Adobe mua lại một đối thủ khác là Macro Media, với sản phẩm nổi bật là công cụ phát triển web Dreamweaver, và phần mềm chạy video Flash. Cả hai đều được đưa vào bộ sản phẩm Adobe Creative Suite.

Vào tháng 10/2021, Adobe đã hoàn tất thương vụ trị giá 1,3 tỷ USD nhằm mua lại Frame.io, một dịch vụ chỉnh sửa video.

Gần đây nhất, Adobe mua lại nền tảng thiết kế Figma với giá 20 tỉ USD. Đây là vụ mua lại lớn nhất với giá cao gấp 50 lần doanh thu của Figma, điều này cho thấy kì vọng của “tượng đài” Adobe vào các nền tảng đồ họa mới.

Giá cả phù hợp với mọi đối tượng

Adobe chủ yếu nhắm vào các chuyên gia và tập đoàn, do đó có giá ở mức thuộc hạng cao cấp trên thị trường. Adobe tuân theo mô hình đăng ký với tên "Creative Cloud" (đám mây sáng tạo) có giá 19,99 đô la mỗi tháng.

Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?

Tuy nhiên Creative Cloud cung cấp quyền truy cập vào khoảng 20 ứng dụng có thể không hữu ích cho tất cả mọi người. Vì vậy, điều này có thể ngăn cản khách hàng chỉ muốn phần mềm chụp ảnh làm ăn với Adobe. Vì vậy, để tránh điều này, họ chỉ bán các phần mềm chụp ảnh trong một gói riêng biệt. Họ cung cấp giảm giá 60% cho sinh viên và giáo viên để khuyến khích việc sử dụng các phần mềm của họ cho việc học và giáo dục. Hơn thế nữa, họ cung cấp bản dùng thử miễn phí tất cả các phần mềm của họ để giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt

Với sự linh hoạt giá cả, và hơn cả tầm nhìn rõ ràng về đối tượng sử dụng sản phẩm giúp chiến lược Adobe vô cùng thành công và doanh thu ước tính lên tới 5,8 tỷ USD.

Chuyển đổi thu phí định kỳ

Năm 2011, Adobe bắt đầu chuyển đổi từ việc bán sản phẩm một lần sang mô hình phần mềm dạng dịch vụ (SAS) thu phí đăng ký định kỳ. Mô hình này đã thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng của người dùng phần mềm. Thay vì phải bỏ ra một số tiền quá lớn là 1.300 USD để sở hữu Photoshop trọn đời, người ta đóng phí định kỳ 70 USD/tháng để thuê dùng nó.

Ban đầu, quyết định này được đánh giá là khá rủi ro vì phần lớn doanh thu của Adobe đến từ các sản phẩm hữu hình như đĩa CD phần mềm. Nhưng thời gian đã cho thấy quyết định này là đúng. Doanh thu của Adobe không những vẫn tăng lên mà còn chủ yếu đến từ phí đăng ký định kỳ. Năm 2021, Adobe ghi nhận doanh thu 15,79 tỉ USD. Trong đó, doanh thu phí đăng ký chiếm tới 90%.

Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?
Doanh thu của Adobe từ phí đăng kí tăng mạnh

Cơ cấu quản lý phù hợp

Một bước tiến quan trọng khác là cơ cấu quản lý của Adobe. Trong khi một số tập đoàn công nghệ khác như Apple áp dụng phương pháp quản lý vi mô từ trên xuống, hoặc Alphabet áp dụng phương pháp quản lý từ dưới lên - vốn gần như quá lỗi thời, Adobe kết hợp hai phương pháp này một cách nhuần nhuyễn.

Lãnh đạo công ty sẽ là người đưa ra mục tiêu và những nhân viên quản lý sẽ đề ra lộ trình thực hiện cụ thể. Ví dụ, để mô hình DDOM và Experience Cloud hoạt động hiệu quả, ban lãnh đạo sẽ đưa ra một mục tiêu cụ thể và chính xác, đó là nền tảng dữ liệu của Adobe phải có khả năng cung cấp nội dung trong vòng dưới 1/10 giây. Tuy nhiên, việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này sẽ tùy thuộc vào các kỹ sư.

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/photoshop-tro-thanh-de-che-phan-mem-ty-do-duoi-thoi-john-warnock-nhu-the-nao-197626.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Photoshop trở thành đế chế phần mềm tỷ đô dưới thời John Warnock như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH