Phụ huynh chi tiền tỷ cho trường quốc tế vay khác nào ‘thả gà ra đuổi’
Giao dịch vay tiền giữa phụ huynh và Trường Quốc tế Mỹ không vi phạm pháp luật tuy nhiên hàm chứa nhiều rủi ro. Theo luật sư, phụ huynh không nên đặt tương lai con em mình vào một "ván cờ" may rủi như vậy bởi việc làm này khác nào "thả gà ra đuổi".
Nhiều phụ huynh ở TP.HCM đang đòi nợ Trường Quốc tế Mỹ (tên thường được biết đến là Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam, AISVN) hàng chục tỷ đồng. Vấn đề này xuất phát từ việc phụ huynh và nhà trường cùng ký hợp đồng vay vốn. Theo đó, phụ huynh cho nhà trường vay từ vài tỷ đến chục tỷ (số tiền theo cấp học của con), không tính lãi suất trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh.
Đổi lại, học sinh sẽ được học tập trong trường với mức phí 0 đồng. Khi học sinh hết thời gian học tập, chuyển trường hoặc nghỉ học vì lý do sức khoẻ… Trường Quốc tế Mỹ sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.
Thế nhưng đến hạn trả tiền, trường vẫn không hoàn trả khiến nhiều phụ huynh tập trung tại cổng đòi nợ, số khác làm đơn kiện lên toà án yêu cầu trả tiền và lãi suất.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải phóng, cho hay về pháp lý giao dịch vay tiền giữa nhà trường và phụ huynh không vi phạm điều cấm của pháp luật.
“Theo nội dung hợp đồng, bên vay và cho vay đều có lợi, phụ huynh được đối trừ nghĩa vụ đóng học phí từ tiền lãi vay, nhà trường không phải đi vay ngân hàng với những thủ tục pháp lý ràng buộc khắt khe”- ông Hưng nói.
Tuy nhiên theo ông Hưng, giao dịch này hàm chứa nhiều rủi ro do phụ huynh không nắm được năng lực tài chính của nhà trường, không có bất cứ biện pháp bảo đảm khoản vay nào, ngoại trừ niềm tin từ uy tín, thương hiệu của nhà trường.
“Ở góc độ xã hội, tôi không ủng hộ giao dịch này trong môi trường giáo dục. Giáo dục tuy tự chủ tài chính, có lợi nhuận nhưng không phải hoạt động kinh doanh thuần túy. Chủ đầu tư cơ sở giáo dục không được phép tạo nguy cơ rủi ro, như một thương vụ kinh doanh. Phụ huynh cũng nên nhận thức điều đó, đừng đặt tương lai con em mình vào một "ván cờ" may rủi như vậy”- ông Hưng nêu.
Từ vụ việc phụ huynh đòi nợ Trường Quốc tế Mỹ, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khuyên về phía nhà trường, không nên đánh mất uy tín và sứ mệnh giáo dục, cần sắp xếp nguồn tài chính để hoàn trả lại cho phụ huynh.
Trong trường hợp nhà trường mất khả năng thanh toán hoặc cố tình chiếm dụng vốn, phụ huynh cần nhanh chóng khởi kiện ra tòa án và yêu cầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản. Thậm chí, nếu có chứng cứ, lợi dụng uy tín, niềm tin để huy động vốn trái phép, sử dụng trái mục đích, phụ huynh có thể yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trong trường hợp nếu nhà trường bán cho bên thứ ba, ông Hưng khẳng định bên thứ 3 cũng phải kế thừa nghĩa vụ. Nếu Trường Quốc tế Mỹ tuyên bố phá sản, phải theo thủ tục phá sản.
Luật sư Nguyễn Thành Huân, Đoàn luật sư TP.HCM, Giám đốc Công ty Luật sư 11, cũng cho hay hiện nay không có bất cứ quy định nào cấm trường dân lập huy động vốn. Ở một góc độ khác, tại khoản 2 điều 16 Nghị định 16/2015 còn cho phép trường công lập tự chủ về tài chính được vay vốn, huy động vốn. "Vì vậy, không có lý do để cấm trường ngoài công lập huy động vốn", luật sư này khẳng định.
Tuy nhiên ông Huân cho hay, quy định tại khoản 6, điều 27 Nghị định 46/2017 về điều kiện để trường trung học hoạt động giáo dục, ngoài việc phải được cấp phép, có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, đội ngũ, địa điểm, cơ chế tổ chức bắt buộc phải có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.
Do đó, việc huy động vốn dẫn đến mất khả năng chi trả là một dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy nguồn lực tài chính của nhà trường đang gặp vấn đề lớn. Các cơ quan quản lý giáo dục cần vào cuộc để thẩm định lại điều kiện hoạt động của trường.
Nếu nguồn lực tài chính không bảo đảm duy trì, phát triển hoạt động giáo dục hoặc có hành vi kê khai gian dối về tài chính trong hồ sơ hoạt động, có thể đình chỉ hoạt động của nhà trường theo Điều 30 Nghị định 46/2017/NĐ-CP.
Quản lý một trường học ở TP.HCM nhìn nhận, ở đây, trách nhiệm của Trường Quốc tế Mỹ đã rất rõ ràng. Nhà trường vay tiền của phụ huynh học sinh thông qua các hợp đồng vay vốn. Hợp đồng vay vốn giữa Trường Quốc tế Mỹ và phụ huynh cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà trường là hoàn trả số tiền đã vay, tuỳ vào thời gian hai bên thống nhất. Nếu nhà trường không trả tiền cho phụ huynh, phụ huynh có thể kiện nhà trường.
Tuy nhiên theo ông, cái dở trong hợp đồng là phụ huynh đã không đề xuất biện pháp xử lý khi nhà trường tự ý phá vỡ hợp đồng. “Sai lầm của phụ huynh trong sự việc này là quá tin tưởng vào nhà trường. Mặt khác, dù hợp đồng cho vay hàng tỷ đồng nhưng hợp đồng rất đơn giản, các điều khoản cũng rất lỏng lẻo, không tính đến phương án rủi ro, không tính đến trường hợp đối tác tuyên bố phá sản…”, ông nói.
Vị quản lý này nhìn nhận qua sự việc này, Trường Quốc tế Mỹ và phụ huynh đều thiệt hại. Phía nhà trường uy tín sụt giảm nghiêm trọng, vị thế bị đánh mất. Phía phụ huynh mòn mỏi chờ được trả nợ mà không biết đến lúc nào.
Theo ông phương án tốt nhất hiện nay là cả 2 bên ngồi lại để bàn bạc phương án trả tiền cho phụ huynh. Các khâu xử lý của nhà trường cần mềm dẻo, thân thiện, đàm thoại với phụ huynh, thỏa thuận về cách thức trả tiền, đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh như đã cam kết.
Liên quan đến việc nhiều phụ huynh đòi nợ Trường Quốc tế Mỹ, ngày 27/9, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, Sở đã lập đoàn công tác đến trường để nắm tình hình sự việc. |