Pomina (POM): Từ đỉnh cao huy hoàng, ông lớn ngành thép một thời chật vật tìm lối thoát
Đứng trước khó khăn chồng chất, Pomina (POM) công bố chiến lược tái cấu trúc toàn diện với điểm nhấn là hợp tác chiến lược cùng Công ty Thép Nansei từ Nhật Bản.
CTCP Thép Pomina (UPCoM: POM), tiền thân là Nhà máy Thép Pomina 1, được Công ty TNHH Thép Việt sáng lập vào năm 1999 trong bối cảnh công nghiệp hóa tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Nhằm đáp ứng nhu cầu thép xây dựng chất lượng cao, Thép Việt đã đầu tư 525 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm, chính thức đi vào hoạt động năm 2002 với dây chuyền hiện đại từ VAI-Pomini (Ý).
Với khả năng sản xuất thép đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, EU và Nga, cùng hệ thống phân phối trải dài cả nước, Pomina nhanh chóng trở thành thương hiệu thép phổ biến, được tin dùng tại nhiều công trình trọng điểm. Đến năm 2013, Pomina tự hào là nhà máy thép lớn nhất Việt Nam với công suất luyện phôi thép 1,5 triệu tấn và công suất cán thép xây dựng 1,1 triệu tấn.
Những bước đi sai lầm và hệ lụy kéo dài
Sự nâng cấp, mở rộng các nhà máy của Pomina bắt đầu “chững” lại từ đây khi thị trường thép nói chung có thêm nhiều “ông lớn” cạnh tranh, miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Đồng thời, việc mở rộng quá nhanh cũng khiến Pomina phải gánh chịu nợ nần chồng chất.
Cụ thể, năm 2014, tổng nợ phải trả của công ty lên tới 7.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản. Áp lực từ chi phí tài chính cao ngất ngưởng, đặc biệt là lãi vay, đã bào mòn lợi nhuận. Từ mức lãi hàng trăm tỷ đồng, Pomina bắt đầu thua lỗ, với khoản lỗ gần 200 tỷ đồng năm 2013.
Nỗ lực giảm nợ và ngừng mở rộng đầu tư đã giúp Pomina đạt lợi nhuận lịch sử 700 tỷ đồng vào năm 2017. Tuy nhiên, việc đầu tư vào dự án lò cao năm 2019 đã đưa công ty trở lại vòng xoáy nợ nần. Năm 2022, Pomina ghi nhận khoản lỗ kỷ lục hơn 1.100 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng mạnh và tác động từ dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng thị trường bất động sản ảm đạm.
Năm 2023, tình hình càng trầm trọng hơn khi doanh thu giảm 75% và Pomina tiếp tục lỗ hơn 960 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.270 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả vượt 18.800 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản, trong đó vay ngắn hạn lên tới 5.466 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh ảm đạm tiếp diễn trong năm 2024
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 tiếp tục phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp thép từng dẫn đầu thị trường.
Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần của Pomina đạt 488 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu nội địa tăng 60% lên 363 tỷ đồng thì nguồn thu từ xuất khẩu lại giảm 46% còn 118 tỷ đồng.
Vấn đề cố hữu vẫn là câu chuyện doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời chịu gánh nặng chi phí lãi vay tăng 2,9 lần so với cùng kỳ lên mức 169 tỷ đồng. Kết quả, Pomina báo lỗ ròng 286 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 10 liên tiếp thua lỗ. Lỗ lũy kế tăng lên mức mức 2.356 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2024, Pomina đạt doanh thu 1.576 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lỗ ròng tăng lên mức 791 tỷ đồng. Nếu tình hình kinh doanh không xuất hiện đột biến trong quý cuối năm, doanh nghiệp thép này hiện hữu nguy cơ thua lỗ 3 năm liên tiếp. Được biết trong các năm 2022, 2023, Pomina đã lỗ tổng cộng 2.000 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của POM đạt 9.353 tỷ đồng, trong đó khoản mục lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với 5.723 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án lò cao và lò EAF tại Khu công nghiệp Phú Mỹ. Dự án này hiện chưa được kết chuyển thành tài sản.
Tổng dư nợ vay của Pomina ghi nhận 6.220 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn (5.500 tỷ đồng). Trong 3 quý đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 1.582 tỷ đồng nhưng cũng phải trả nợ gốc 1.475 tỷ đồng, tổng chi phí lãi vay lên đến 491 tỷ đồng.
Đáng lo ngại, vốn lưu động của Pomina âm hơn 6.200 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 31 tỷ đồng trong 9 tháng. Bù lại, dòng tiền thuần trong kỳ chuyển dương 5,7 tỷ đồng so với mức âm 192 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tái cấu trúc, liệu có giúp Pomina vực dậy từ khó khăn?
Đứng trước khó khăn chồng chất, Pomina công bố chiến lược tái cấu trúc toàn diện, với điểm nhấn là hợp tác chiến lược cùng Công ty Thép Nansei từ Nhật Bản.
Cụ thể, ngày 10/9/2024, Pomina đã có thông báo chính thức ký kết đầu tư với đối tác Nhật. Cụ thể, tại Nhà máy Pomina 2 Phú Mỹ đã diễn ra lễ chính thức triển khai Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản.
Lễ triển khai hợp đồng hợp tác đầu tư chiến lược giữa Thép Pomina và Nansei Steel Nhật Bản |
Đây được xem là bước đi nhằm cụ thể hoá thỏa thuận đầu tư chiến lược của Nansei Steel và Thép Pomina vốn đã được công bố hồi cuối tháng 7/2024, cũng như đánh dấu bước tiến lớn cho chiến lược tái cấu trúc toàn diện của Thép Pomina.
Theo hợp đồng, Nansei sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cần thiết cho Pomina 2 vận hành công suất tối đa. Mô hình hợp tác giữa hai công ty tập trung vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đại diện Thép Pomina cho biết, việc hợp tác với Nansei Steel sẽ giúp công ty tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến thị trường giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc khởi động lại nhà máy từ thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp công ty đón sóng bất động sản phục hồi và các dự án đầu tư công bước vào giai đoạn nước rút triển khai, giúp nhu cầu về thép xây dựng tăng trở lại.
Nansei Steel có trụ sở chính tại tỉnh Chiba, Nhật Bản, là 1 trong những nhà sản xuất và xuất khẩu kim loại hàng đầu tại Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực thép. Doanh nghiệp này đang sở hữu mạng lưới 30 chi nhánh kinh doanh trên toàn Nhật Bản, chuyên cung cấp và kinh doanh nguyên liệu kim loại tái chế. Nansei Steel còn được biết đến là đơn vị hàng đầu Nhật Bản trong việc xử lý và tái chế các nguyên liệu kim loại.
Song song với việc hợp tác đầu tư với Nansei Steel, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Thép Pomina tiết lộ công ty đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp khác nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về nhà đầu tư mới chưa được công bố.
Trước đó, Pomina đã từng lên kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu để thu về 700 tỷ đồng từ đối tác chiến lược Nansei nhưng đã bị tạm dừng vào cuối tháng 1/2024. Số vốn huy động được dự kiến dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty.
Liệu chiến lược hợp tác và tái cấu trúc có đủ sức đưa Pomina vượt qua khó khăn và tìm lại ánh hào quang đã mất? Hay đây chỉ là một nỗ lực cuối cùng trước nguy cơ sa lầy sâu hơn?
Ông lớn ngành thép chọn thị trường quy mô 280 triệu dân làm bàn đạp mở rộng tại Đông Nam Á
Lợi nhuận ngành thép quý III/2024 giảm sâu, mừng lo sản lượng tiêu thụ tháng 10