Đại gia ngành thép 15 năm trước giờ lâm cảnh lỗ nghìn tỷ sau 10 quý
Mặc dù từng đứng đầu ngành, Pomina đã mất dần vị thế trong những năm gần đây, nhường lại "ngôi vương" cho các doanh nghiệp khác như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
CTCP Thép Pomina (Mã POM - UPCoM) từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 đến 2010. Công ty đã từng giữ vị thế dẫn đầu nhờ vào quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại và năng lực sản xuất vượt trội trong lĩnh vực thép xây dựng.
Thời điểm đó, xét về quy mô sản xuất lớn, Pomina từng sở hữu hệ thống nhà máy sản xuất thép hiện đại với công suất hàng triệu tấn thép/năm, đáp ứng nhu cầu xây dựng lớn tại thị trường nội địa.
Về thị phần, trong những năm đỉnh cao, Pomina nắm giữ một thị phần đáng kể trên thị trường thép xây dựng, trở thành lựa chọn ưu tiên cho nhiều dự án lớn. Doanh nghiệp tập trung đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, bao gồm công nghệ luyện thép lò điện (EAF) từ châu Âu, giúp tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu tác động môi trường.
Ảnh minh họa |
Mặc dù từng đứng đầu ngành, Pomina đã mất dần vị thế trong những năm gần đây, nhường lại "ngôi vương" cho các doanh nghiệp khác như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) hay Nam Kim (NKG) trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi các đối thủ lớn không ngừng mở rộng quy mô và gia tăng sản lượng.
Việc gặp phải những vấn đề về tài chính và vận hành, làm giảm khả năng cạnh tranh cũng như biến động giá nguyên liệu và nhu cầu thép xây dựng trong nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.
Hiện tại, Pomina vẫn là một doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành thép song quy mô và vị thế đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao.
Tình hình kinh doanh ảm đạm
Thép Pomina vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, tiếp tục phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp thép từng dẫn đầu thị trường.
Trong quý III, doanh thu thuần của Pomina đạt 488 tỷ đồng - giảm gần 3% so với cùng kỳ. Trong khi doanh thu nội địa tăng 60% lên 363 tỷ đồng thì nguồn thu từ xuất khẩu lại giảm 46% còn 118 tỷ.
Vấn đề cố hữu vẫn là câu chuyện doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn, đồng thời chịu gánh nặng chi phí lãi vay tăng 2,9 lần so với cùng kỳ lên mức 169 tỷ đồng. Kết quả, Pomina báo lỗ ròng 286 tỷ, đánh dấu quý thứ 10 liên tiếp thua lỗ. Lỗ lũy kế tăng lên mức mức 2.356 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2024, Pomina đạt doanh thu 1.576 tỷ đồng - giảm 47% so với cùng kỳ; lỗ ròng tăng lên mức 791 tỷ. Nếu tình hình kinh doanh không xuất hiện đột biến trong quý cuối năm, doanh nghiệp thép này hiện hữu nguy cơ thua lỗ ba năm liên tiếp. Được biết trong các năm 2022, 2023, Pomina đã lỗ tổng cộng 2.000 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của POM đạt 9.353 tỷ đồng, trong đó khoản mục lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với 5.723 tỷ, chủ yếu từ dự án lò cao và lò EAF tại Khu công nghiệp Phú Mỹ. Dự án này hiện chưa được kết chuyển thành tài sản.
Tổng dư nợ vay của Pomina ghi nhận 6.220 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn (5.500 tỷ). Trong ba quý đầu năm, doanh nghiệp vay thêm 1.582 tỷ đồng nhưng cũng phải trả nợ gốc 1.475 tỷ đồng, tổng chi phí lãi vay lên đến 491 tỷ.
Đáng lo ngại, vốn lưu động của Pomina âm hơn 6.200 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 31 tỷ đồng trong 9 tháng. Bù lại, dòng tiền thuần trong kỳ chuyển dương 5,7 tỷ so với mức âm 192 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường thép vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do giá bán giảm và nhu cầu yếu cả trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp lớn như Pomina, VNSteel, Thép SMC hay Tisco đều chịu áp lực. Dự án xây dựng lò cao và lò EAF của Pomina được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình, nhưng hiện tại, gánh nặng tài chính vẫn là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp.
>> 2 nhà máy thép ngưng hoạt động, ông lớn ngành thép một thời báo lỗ 500 tỷ đồng