Câu chuyện đầu tư

Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?

Thu Huyền 27/11/2024 - 08:59

Bộ Công Thương đang kêu gọi các nhà sản xuất thép trong nước giảm cơ cấu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, giảm rủi ro trước các cuộc điều tra CBPG mới từ EU và Mỹ.

Trong năm 2024, nhiều cuộc điều tra áp thuế chống bán phá giá (CBPG) thép nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép nội địa đang được thực hiện từ các thị trường xuất khẩu thép trọng điểm của Việt Nam, đe dọa tỷ trọng sản lượng xuất khẩu dự kiến trong những quý tới.

Tuy nhiên, sản phẩm thép của Việt Nam chịu mức thuế từ tương đồng đến thấp hơn các đối thủ xuất khẩu khác. Do đó, dù kim ngạch xuất khẩu giảm, thị trường Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh về giá bán.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang kêu gọi các nhà sản xuất thép trong nước giảm cơ cấu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhằm giảm rủi ro trước các cuộc điều tra CBPG mới từ EU và Mỹ.

Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
Mức độ ảnh hưởng của các biện pháp phòng vệ quốc tế đến xuất khẩu của Hòa Phát

Chứng khoán DSC kỳ vọng thuế CBPG đối với thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc sớm được thi hành trong quý IV/2024. Chính sách này có tác động tích cực lớn đến hoạt động kinh doanh của Hòa Phát (HPG) trong bối cảnh doanh nghiệp đang gia tăng công suất, giảm rủi ro dư thừa nguồn cung.

Ngoài ra, Hòa Phát hưởng lợi nhờ giá bán thép bình ổn trở lại cùng thời điểm ngành xây dựng trong nước phục hồi. Thị phần trong nước của Hòa Phát cũng được mở rộng, hiện dẫn đầu thép xây dựng với 38% và thép ống với 27% toàn thị trường.

Đồng quan điểm, tại hội thảo C2C (Connecting to Customers) với chủ đề "Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát" do Chứng khoán HSC tổ chức, bà Võ Thị Ngọc Hân - Giám đốc Nghiên cứu Cấp cao ngành Công nghiệp & Công nghệ - cho rằng Việt Nam là điểm sáng của ngành thép thế giới.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ các loại thép trong 10 tháng năm 2024 đạt 26 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ. So với mức giảm 1% của thế giới, đây là con số rất khả quan. Mức tăng trưởng này nhờ nhu cầu lớn từ thị trường nội địa, điển hình là các dự án đầu tư công và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục.

Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
Tình hình bán hàng thép thành phẩm năm 2024 (Nguồn: VSA)

Ở hoạt động xuất nhập khẩu, lượng nhập khẩu thép của Việt Nam tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,3 triệu tấn. Theo quan sát của HSC, con số nhập khẩu thực tế có thể nhiều hơn số liệu thống kê.

Việt Nam cũng đã xuất khẩu gần 10 triệu tấn thép trong 9 tháng năm 2024, tăng 21%. Các bộ ban ngành đang tích cực điều tra các vụ bán phá giá thép, thể hiện sự đồng hành với các doanh nghiệp trong nước. Chứng khoán HSC dự báo sản lượng tiêu thụ thép các loại trong nước sẽ tăng trưởng 14% trong năm 2024 và 11% trong năm 2025.

Trước bối cảnh có nhiều điểm tích cực trong thời gian tới, Hòa Phát - doanh nghiệp có thị phần sản xuất thép lớn nhất tại Việt Nam được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực tăng trưởng, nhất là khi đang dồn lực đầu tư cho "quả đấm thép" Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn HRC/năm.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Hòa Phát, Dung Quất 2 là dự án có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển dài hạn của Hòa Phát. Với Dung Quất 2, sản lượng sản xuất HRC sẽ được nâng từ 3 triệu tấn/năm lên 8,6 triệu tấn/năm. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, tập đoàn có thể xem xét mở rộng thêm năng lực sản xuất các mặt hàng thép chất lượng cao khác.

Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát

Bà Kim Oanh cho biết lò cao số 1 của Dung Quất 2 dự kiến hoạt động 50-60% công suất trong năm 2025, sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn HRC. Đến năm 2026, dự án có thể đạt 80% công suất lò cao số 1 và 50% lò cao số 2. Dự kiến Dung Quất 2 sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2028.

Theo CFO Hòa Phát, năm 2024 công ty đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng. Khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động hết công suất trong 4 năm tới, doanh thu của Hòa Phát có thể vượt mốc 10 tỷ USD (khoảng 255.000 tỷ đồng). Điều này có thể xảy ra nếu giá bán HRC duy trì ở mức hiện tại.

>> Hòa Phát (HPG) nghiên cứu sản xuất nguyên liệu cho ngành xe điện, 'mỏ vàng' mới trong 25 năm tiếp theo?

Sản phẩm thép chủ lực của Hòa Phát (HPG) hiện diện trong loạt dự án đầu tư công trọng điểm

Hòa Phát (HPG) nhận chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc, chốt xây nhà máy tại miền Trung

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-chien-nganh-thep-co-tac-dong-the-nao-den-hoa-phat-hpg-262353.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc chiến ngành thép có tác động thế nào đến Hòa Phát (HPG)?
    POWERED BY ONECMS & INTECH