Chứng khoán

PVS sẽ làm không hết việc đến năm 2030 nhờ hợp đồng điện gió và Lô B - Ô Môn trị giá 2,5 tỷ USD

Hải Băng 18/06/2024 - 09:57

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến không chia cổ tức tiền mặt từ năm 2025 - 2030 để dồn tiền tăng vốn điều lệ lên khoảng 17.000 tỷ đồng, giúp thực hiện các dự án đầu tư khoảng 70.640 tỷ đồng.

Sáng ngày 17/6, tại TP. HCM, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - HNX: PVS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu là 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và 38% so với thực hiện năm 2023. Theo Chứng khoán Vietcap, lãnh đạo PVS công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm 2024 với doanh thu 6.800 tỷ đồng (+11% YoY) và lợi nhuận sau thuế 573 tỷ đồng (+50% YoY), lần lượt hoàn thành 44% và 87% kế hoạch năm.

Mức tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi mảng M&C, sau khi hoàn thành 4/33 chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án Greater Changhua 2a & 4 (Đài Loan, Orsted Client). Được biết, PVS đang có lượng backlog M&C trị giá 2,5 tỷ USD, trong đó, 1,5 tỷ USD cho mảng điện gió bao gồm các hợp đồng đã ký, các hợp đồng tiềm năng cao và 1 tỷ USD cho dự án Lô B - Ô Môn. Khối lượng công việc của doanh nghiệp gần như được đảm bảo đến năm 2030. PTSC hiện có 24 đơn vị thành viên với gần 10.000 người lao động, hoạt động trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về dự án Lô B - Ô Môn, PVS kỳ vọng không có sự chậm trễ đáng kể trong Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hiện nay, công việc từ các nhà thầu vẫn diễn ra bình thường với các khoản giải ngân kịp thời và thanh toán đầy đủ.

PVS sẽ làm không hết việc đến năm 2030 nhờ hợp đồng điện gió và Lô B - Ô Môn trị giá 2,5 tỷ USD
Hình ảnh từ ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PVS

Dự kiến vốn điều lệ tăng lên 17.000 tỷ đồng

Giai đoạn năm 2024 - 2030, PVS sẽ đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 70.640 tỷ đồng gồm: 10.036 tỷ đồng dùng đầu tư kho chứa dầu nổi (FSO) tại mỏ Lạc Đà Vàng và Lô B (khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi dự án); 47.595 tỷ đồng xây dựng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sạch sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm cao áp dưới biển; 3.173 tỷ đồng để sản xuất cáp ngầm; 9.836 tỷ đồng đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh như: xây dựng cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, mua tàu, chuyển đổi số...

Để đáp ứng yêu cầu trên, công ty cần nâng vốn điều lệ lên khoảng 17.000 tỷ đồng (gấp 3,6 lần vốn điều lệ 4.780 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/3). Số vốn gia tăng là 12.220 tỷ đồng được huy động bằng cách phát hành cổ phiếu mới thông qua phát hành quyền mua và chia cổ tức bằng cổ phiếu. PVS dự kiến không chia cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn 2025 - 2030 để giữ lại lợi nhuận.

Năm nay, công ty sẽ chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% (700 đồng/cp), tương ứng số tiền chi ra gần 335 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023. Kế hoạch cổ tức cho năm 2024 dự kiến giữ nguyên ở mức 7%.

>> PVS cần hơn 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho giai đoạn 2024-2030

Cổ phiếu nổi sóng, khối tài sản của hai ‘đại gia’ ngành thép tăng thêm 740 tỷ đồng chỉ trong một phiên

Tập đoàn Everland (EVG) sẽ bán một phần Everland An Giang để bơm vốn cho dự án 5.500 tỷ đồng tại Quảng Ninh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pvs-se-lam-khong-het-viec-den-nam-2030-nho-hop-dong-dien-gio-va-lo-b-o-mon-tri-gia-25-ty-usd-239038.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PVS sẽ làm không hết việc đến năm 2030 nhờ hợp đồng điện gió và Lô B - Ô Môn trị giá 2,5 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH