PVTrans (PVT) ghi nhận doanh thu kỷ lục trong quý II, ôm gần 5.000 tỷ đồng tiền mặt
PVTrans (PVT) thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu khi mang về 2.994 tỷ đồng trong quý II/2024.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans: PVT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 2.994 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục sau 17 năm niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cùng chiều, giá vốn hàng bán tăng 699 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 44% so với cùng kỳ lên mức 2.296 tỷ đồng.
Các chi phí khác ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính đạt 149 tỷ đồng, tăng 71%; chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 99 tỷ đồng, tăng 2%; chi phí bán hàng đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 28%.
Kết quả, PVT mang về 369,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 8% so với quý II/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lãi sau thuế đạt 663,7 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, PVTrans đặt kế hoạch doanh thu 8.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 760 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 87% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
PVTrans ghi nhận doanh thu kỷ lục trong quý II/2024 |
Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản công ty đạt 17.566 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó, PVT đang nắm giữ 4.979 tỷ đồng tiền gửi và các khoản tương đương. Chiếm phần lớn là tài sản cố định với giá trị còn lại là 9.580 tỷ đồng.
Về phần nguồn vốn, PVTrans ghi nhận nợ phải trả đạt 8.193 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tổng nợ vay chiếm 65% tổng nợ, đạt 5.305 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 9.373 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến kỳ này đạt 1.466 tỷ đồng.
Theo thông tin từ ban lãnh đạo, 6 tháng đầu năm 2024, PVTrans đã triển khai chiến lược đầu tư phát triển đội tàu theo hướng trẻ hóa và hiện đại hóa. Doanh nghiệp đã hoàn tất việc tiếp nhận 1 tàu hàng rời handysize PVT Gloria vào tháng 3/2024, thông qua Công ty Hàng hải Thăng Long.
Ngoài ra, PVTrans cũng đã góp vốn bổ sung 36,7 tỷ đồng vào Công ty Đông Dương và 74,9 tỷ đồng vào Công ty Hàng hải Thăng Long thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.
Nửa cuối năm 2024, PVTrans xác định nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo vận chuyển an toàn, kịp thời nguyên liệu và sản phẩm cho các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn; quản lý và khai thác hiệu quả tàu FSO PVN Đại Hùng Queen mỏ Đại Hùng và giàn CPP cho Idemitsu tại mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt.
Về lĩnh vực đầu tư, PVTrans sẽ thực hiện đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên theo đúng kế hoạch được phê duyệt, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án.
>> Công ty 'nhà' PV Trans (PVT) báo lãi quý II/2024 tăng gần 250%
Ba bộ luật sắp có hiệu lực từ ngày 1/8: VHM, NLG, KDH được 'chọn mặt gửi vàng' nhờ lợi thế này
Tuyên bố hỗ trợ cho đến khi hết tiền, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa tài trợ VinFast (VFS) tỷ USD