Doanh nghiệp A-Z

Đứng ngoài 'cuộc chiến' giá dầu, PVTrans (PVT) tiếp tục bơm 13.000 tỷ mua sắm đội tàu

Quốc Trung 16/04/2025 - 09:41

Giữ vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng dầu khí, PVTrans (PVT) khẳng định hoạt động kinh doanh không chịu tác động lớn từ xu hướng giảm của giá dầu thế giới.

Đứng ngoài 'cuộc chiến' giá dầu, PVTrans (PVT) tiếp tục bơm 13.000 tỷ mua sắm đội tàu
Ảnh minh họa

Ngày 15/4, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans – mã PVT) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2025 trong bối cảnh ngành vận tải biển toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn mới từ địa chính trị, chính sách thuế quan và xu hướng suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Dù vừa trải qua năm 2024 kinh doanh kỷ lục, ban lãnh đạo PVTrans vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch năm 2025 theo hướng thận trọng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 960 tỷ – lần lượt giảm 12% và 35% so với kết quả năm trước.

Tổng Giám đốc Nguyễn Duyên Hiếu cho biết công ty vẫn sẽ giữ vững thị phần vận tải nội địa cho các nhà máy lọc dầu như Bình Sơn, Nghi Sơn và các đơn vị thành viên Tập đoàn Dầu khí, đồng thời theo sát thị trường quốc tế để mở rộng khi có cơ hội. Trong đó, việc tăng vận chuyển dầu nội địa cho Dung Quất nếu nhà máy sử dụng tối đa nguồn dầu trong nước sẽ giúp PVTrans hưởng lợi nhờ tỷ lệ dầu nội địa lên tới 70–75%.

Trước câu chuyện về rủi ro thuế đối ứng từ Mỹ – yếu tố được đánh giá có thể dẫn tới khủng hoảng toàn cầu – ban lãnh đạo PVTrans cho rằng doanh nghiệp đã chủ động ứng phó. Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Anh nhấn mạnh: "Câu chuyện thuế quan rất sốc, thậm chí có thể gây khủng hoảng toàn cầu. Chúng tôi đã dự báo thị trường vận tải 2024–2025 sẽ suy giảm và PVTrans đã đánh giá được. Thuế quan là vấn đề tạm thời và sẽ quay lại ổn định, dài hạn vẫn là câu chuyện cung cầu và tăng trưởng toàn cầu".

“Với tác động trước mắt, thị trường vận tải bản thân đã suy giảm 10–20% dù chưa có thuế quan. Dù vậy, mặt bằng giá cước hiện nay vẫn còn ở mức cao chứ chưa phải giảm quá mạnh; thị trường vận tải có suy giảm nhưng vẫn ở mức cao và hấp dẫn, chưa đến mức quá khó khăn.”

Tuy giảm chỉ tiêu lợi nhuận, PVTrans lại công bố kế hoạch đầu tư quy mô lớn, thể hiện quyết tâm củng cố năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn. Riêng công ty mẹ dự chi 3.500 tỷ đồng để đầu tư 3–6 tàu mới; các công ty thành viên đặt kế hoạch đầu tư tổng cộng 9.000 tỷ đồng. HĐQT đã xác định rõ thứ tự ưu tiên: Công ty mẹ sẽ tập trung mua tàu dầu thô, trong khi các đơn vị thành viên sẽ tập trung vào tàu gas, hóa chất và hàng rời.

Năm 2024, PVTrans đã đầu tư 8 tàu mới trị giá 153 triệu USD. Nhờ đó, tổng tài sản tăng gần gấp đôi, đạt gần 20.000 tỷ đồng, đội tàu nâng lên 58 chiếc với tổng trọng tải hơn 1,7 triệu DWT – đứng đầu Việt Nam về năng lực vận tải dầu khí.

Trong phương án phân phối lợi nhuận, doanh nghiệp dự kiến phát hành hơn 113,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 32%, qua đó nâng vốn điều lệ lên 4.699 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi, PVTrans sẽ mở rộng chuỗi giá trị thông qua các dịch vụ logistics như vận chuyển than cho nhà máy Sông Hậu, dầu cho Nghi Sơn hay phát triển dịch vụ cảng cạn – cảng biển nhằm tăng tính kết nối và tối ưu vận hành trong hệ sinh thái dầu khí.

Đối với lo ngại giá dầu giảm sâu, ban lãnh đạo PVTrans cho biết công ty chủ yếu vận tải cho Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nên tác động lớn nhất là vấn đề hàng tồn kho, giá cước vận tải được tính toán theo giá dầu nên không bị rủi ro quá lớn. Đối với vận tải dầu quốc tế, công ty có nhiều biện pháp kiểm soát tối đa nhiên liệu.

>> Dự phóng KQKD quý I/2025 của nhóm dầu khí: ‘Mặt trời đang lặn’ trên những giếng dầu?

Dự báo KQKD quý I/2025 nhóm dầu khí: GAS, PLX, PVS, PVD, CNG

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đổi tên

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dung-ngoai-cuoc-chien-gia-dau-pvtrans-pvt-tiep-tuc-bom-13000-ty-mua-sam-doi-tau-286852.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đứng ngoài 'cuộc chiến' giá dầu, PVTrans (PVT) tiếp tục bơm 13.000 tỷ mua sắm đội tàu
    POWERED BY ONECMS & INTECH