Từ khi được FIFA trao quyền tổ chức vào năm 2010 đến nay, sau 12 năm, Qatar đã chi tới 220 tỷ USD - tương đương 10% GDP mỗi năm cho World Cup 2022.
Với mức đầu tư khổng lồ trên, nhiều chuyên gia phương Tây đặt ra câu hỏi "Qatar có thể thu hồi vốn từ giải đấu này. Các cơ sở hạ tầng như sân vận động cũng sẽ được sử dụng sau World Cup sẽ thế nào khi Qatar chỉ có dân số 3 triệu người trong đó chỉ có hơn 300.000 người là công dân Qatar?".
Ngày càng có ít quốc gia sẵn sàng đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn như World Cup hay Olympic do chi phí chuẩn bị đắt đỏ và lợi ích kinh tế thu về thường khá hạn chế.
Hy Lạp vỡ nợ sau Olympic 2004, Brazil lỗ 2 tỷ USD với Olympic 2016. Hay tại World Cup Brazil đã chi từ 220 đến 300 triệu USD để xây dựng một sân vận động năm giữa rừng Amazon với sức chứa lên tới 40.000 cổ động viên.
Việc đó khiến người dân trở nên thêm bất bình vì tiền thuế của họ đã từng góp phần xây nên những sân vận động hoành tráng kia nhưng họ lại là những đối tượng bị "móc túi" lần nữa qua giá vé cao chót vót.
Tuy nhiên, Qatar lại sẵn sàng chi ra số tiền khổng lồ cho sự kiện đáng chú ý này với kỳ vọng World Cup 2022 là cơ hội để nền kinh tế chuyển dịch, bớt trông cậy vào dầu mỏ.
Qatar lập kỷ lục về chi phí cho World Cup
Ước tính trong 10 năm qua, đất nước này đã chi 220 tỷ USD cho việc xây dựng hạ tầng phục vụ World Cup. Theo Bộ trưởng Bộ tài chính Qatar, đất nước này đã chi tới 500 triệu USD mỗi tuần vào năm 2017 cho các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường xá, khách sạn, sân vận động và nâng cấp sân bay để chuẩn bị việc đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.
Với 7 sân vận động phục vụ cho toàn bộ các trận đấu, Qatar ước tính đã chi 6,5 - 10 tỷ USD cho việc xây dựng.
Tổng giá trị giải thưởng cho World Cup 2022 là 440 triệu USD. Số tiền này đã tăng tới 400 triệu USD so với số tiền thưởng tại World Cup 2018 tại Nga.
Để mời được David Beckham làm đại sứ cho World Cup 2022, Qatar đã phải bỏ ra 277 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền này sẽ được trả dần trong 10 năm thay vì trong một lần.
World Cup là một cỗ máy kiếm tiền
Có khoảng 5 tỷ người theo dõi World Cup 2022, trong đó hơn 1,2 triệu người đến Qatar thưởng thức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Điều này sẽ mang lại cho Qatar khoản lợi nhuận tài chính khổng lồ lên tới 17 tỷ USD, thông qua việc tạo ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho các lĩnh vực kinh tế khác nhau bao gồm bất động sản, thương mại, du lịch, hàng không, giao thông vận tải.
Ở lĩnh vực dịch vụ và du lịch, theo tính toán của Capital Economics, nếu 1,5 triệu khách đến Qatar ở lại 10 ngày và chi 500 USD mỗi ngày, nước này sẽ thu được 7,5 tỷ USD. Lượng đặt phòng khách sạn tại Qatar đã đạt con số kỷ lục lên tới 30.000 phòng, 43.000 giường ở 128 khách sạn.
Cơ quan quản lý du lịch Qatar cho biết đã khai trương thêm 50 khách sạn mới, đồng thời cho tới nay nước này đã bán được 240.000 gói dịch vụ lưu trú phục vụ cho giải đấu.
Thị trường chứng khoán Qatar đã tăng hơn 50% trong 5 năm qua khi các công tác chuẩn bị cho World Cup được đẩy nhanh tiến độ. Dù 2022 là một năm khó khăn khi thời kỳ tiền rẻ chấm dứt, các ngân hàng đều mạnh tay tăng lãi suất, chỉ số QSE của thị trường Qatar vẫn có mức tăng tốt nhất so với các nước khu vực vùng Vịnh trong 8 tháng đầu năm.
Hiệu ứng từ World Cup đến thị trường chứng khoán Qatar được nhận định còn kéo dài sang năm sau khi đầu tư cho xây dựng, bất động sản, du lịch, bán lẻ vẫn chảy vào các doanh nghiệp niêm yết và cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, World Cup cũng tạo ra hơn 1,5 triệu cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực then chốt như xây dựng, bất động sản, khách sạn, vận tải, nhà ở và hàng hóa thực phẩm.
Đây cũng là một cơ hội từ giải đấu để Qatar thể hiện sự mở rộng nhanh chóng của mình từ một vùng đất nhỏ nơi mà người ta chỉ đến để tìm ngọc trai đã chuyển mình thành một đô thị Vùng Vịnh, một cường quốc xuất khẩu năng lượng và trung tâm trung chuyển.