Vĩ mô

Quản lý tài chính khi xử lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân như thế nào?

Lan Phương 04/08/2023 - 07:57

Tại dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể về quản lý tài chính trong xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Quản lý tài chính khi xử lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân như thế nào? - Ảnh 1.

Tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm là bảo vật quốc gia, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần

Dự thảo nêu rõ về nội dung các khoản chi liên quan đến quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Theo đó, đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu (bao gồm tài sản của vụ án hình sự chuyển sang xử lý hành chính bị tịch thu hoặc của vụ việc vi phạm hành chính sau khi cơ quan điều tra chuyển trả lại để xử lý hành chính), nội dung chi gồm: Chi phí kiểm nghiệm, giám định; chi phí mua tin, chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong quá trình quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chi phí vận chuyển, phân loại, giao nhận, bảo quản và chi phí chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã từ khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu đến khi hoàn thành việc xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu do vi phạm hành chính; chi phí đấu giá tài sản, thù lao đấu giá theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu, các nội dung chi gồm: Chi phí vận chuyển, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ đến thời điểm có quyết định tịch thu theo quy định của pháp luật; chi phí kiểm nghiệm, giám định; chi phí đăng tải thông tin về bán tài sản (trừ trường hợp bán tài sản theo hình thức đấu giá); chi thưởng cho các tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm, nội dung các khoản chi là: Chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt, giám định tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; chi phí vận chuyển, bảo quản tài sản được tìm thấy trong thời gian chưa có quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền; chi phí vận chuyển, bảo quản tài sản trả cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản...

Quy định mức chi

Đối với những nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã được quy định.

Đối với các khoản chi phí mua tin, chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh trong quá trình quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Đối với các chi phí trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua Hợp đồng được ký giữa đơn vị chủ trì quản lý tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ. Đơn vị cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng đã ký và pháp luật có liên quan. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chi thưởng cho người phát hiện và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm

Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần, cụ thể như sau:

Giá trị tài sản
Tỷ lệ trích thưởng (%)/Giá trị tài sản để trích thưởng
Giá trị tài sản đến 10 triệu đồng
30%
Giá trị tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng
15%
Giá trị tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng
7%
Giá trị tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng
1%;
Giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng
0,5%;

Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng tương ứng quy định nêu trên.

Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy không phải là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng bằng 30% của các mức thưởng tương ứng quy định trên.

Mức tiền thưởng cụ thể do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với tài sản được tìm thấy là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đối với tài sản được tìm thấy thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản được tìm thấy khác) quyết định, tối đa không vượt quá 200 triệu đồng đối với mỗi gói thưởng.

Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng được chi thưởng; hoặc giá trị tài sản tìm thấy có giá trị đặc biệt thì các cơ quan, người có thẩm quyền quy định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thưởng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Đằng sau lợi nhuận bất thường, DN lớn 'cực chẳng đã' phải bán tài sản vượt khó

Tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Thái Tuấn nợ trái phiếu: Diễn biến bất ngờ khi tài sản đảm bảo tăng thêm 7 căn biệt thự

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/quan-ly-tai-chinh-khi-xu-ly-tai-san-thuoc-so-huu-toan-dan-nhu-the-nao-102230803143403115.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Quản lý tài chính khi xử lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH