Quốc gia châu Âu có thể hạ lãi suất xuống dưới 0, chiến tranh tiền tệ sắp bắt đầu?
Đồng franc Thụy Sĩ đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ so với đồng USD, khi các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm nơi trú ẩn trước những biến động trong thương mại toàn cầu. Điều này làm dấy lên dự đoán rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sẽ buộc phải hạ lãi suất xuống bằng 0 hoặc thấp hơn để kiềm chế đà tăng của đồng tiền này.
Franc từ lâu đã được coi là nơi trú ẩn an toàn nhờ sự ổn định chính trị và kinh tế của Thụy Sĩ. Trong tuần này, đồng tiền này đã đạt mức gần cao kỷ lục so với USD, với tỷ giá đồng USD lần đầu tiên kể từ năm 2015 rơi gần mốc 0,80 franc.
Diễn biến này đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế khó: họ cần kiềm chế sức mạnh của đồng franc để hỗ trợ nền kinh tế hướng về xuất khẩu, trong khi phải tránh nguy cơ bị Mỹ trả đũa bằng các biện pháp thuế quan, điều mà Washington đã từng đe dọa.

Kit Juckes, chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại Socíeté Générale, cho biết, "Những làn sóng xung đột này đã đẩy Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ vào một tình thế cực kỳ khó khăn".
Ông nói thêm, "Chính phủ Thụy Sĩ không muốn đối mặt với áp lực giảm phát lớn như trước đây, và họ đang rất bối rối".
Trong những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Thụy Sĩ đã giảm xuống dưới 0, khi giới đầu tư đặt cược rằng SNB sẽ phải cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng đã giao dịch thấp hơn 0% vào thứ Sáu.
Theo các nhà phân tích, sự tăng giá nhanh chóng của đồng franc đang làm gia tăng nguy cơ sốc giảm phát cho Thụy Sĩ, nhất là khi tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động.
Hồi đầu tháng, Mỹ đã áp mức thuế đối ứng lên tới 31% đối với hàng hóa Thụy Sĩ — cao hơn mức áp với hàng hóa EU — trước khi tạm hoãn áp dụng trong 90 ngày. Mỹ là thị trường tiêu thụ hơn 10% lượng xuất khẩu của Thụy Sĩ, nên tình hình này buộc chính phủ nước này phải mở một chiến dịch vận động ngoại giao quy mô lớn.
Tổng thống kiêm Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã có cuộc điện đàm với ông Trump chỉ vài giờ trước khi Mỹ thông báo tạm dừng áp thuế. Tuần này, bà cùng Bộ trưởng Kinh tế đã đến Washington để gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, trong cuộc gặp họ thảo luận về "các cơ hội tăng cường hợp tác song phương".
Thụy Sĩ vốn quen thuộc với những biến động mạnh của đồng nội tệ. Hồi tháng 1/2015, SNB đã bất ngờ từ bỏ chính sách duy trì trần tỷ giá đồng franc so với đồng euro, khiến franc tăng vọt.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Thụy Sĩ lo ngại sẽ lại bị Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" nếu can thiệp mạnh tay vào thị trường để hãm đà tăng của đồng franc.

Thụy Sĩ từng bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chủ yếu do các hoạt động can thiệp nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, nước này đã được rút khỏi danh sách dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Đồng franc không chỉ tăng giá so với USD mà còn tăng so với đồng euro, gây thêm khó khăn cho Thụy Sĩ trong mối quan hệ thương mại với đối tác lớn nhất của nước này.
NHTW Thụy Sĩ đã đi trước nhiều ngân hàng lớn khác khi hạ lãi suất chủ chốt xuống còn 0,25%, và việc tiếp tục hạ thêm lãi suất được xem là giải pháp an toàn hơn về mặt ngoại giao so với việc can thiệp vào thị trường ngoại hối.

SNB từng duy trì lãi suất âm suốt 8 năm, một phần để ngăn đồng franc tăng quá mức, trước khi nâng lãi suất trở lại vùng dương vào năm 2022 để đối phó với làn sóng lạm phát hậu đại dịch.
Francesco Pesole, chiến lược gia ngoại hối tại ING, nhận định: "Nếu SNB không hài lòng với đồng franc mạnh nhưng lại bị hạn chế khả năng can thiệp ngoại hối, thì cắt giảm lãi suất là lựa chọn duy nhất".
Stefan Gerlach, chuyên gia kinh tế trưởng tại EFG Bank, cũng cho rằng khả năng quay lại lãi suất âm "hoàn toàn có thể xảy ra", đồng thời lưu ý rằng Thụy Sĩ có thể cần can thiệp ngoại hối ở một mức độ nào đó.
Tuy vậy, ông Gerlach đánh giá nguy cơ Thụy Sĩ lại bị gắn mác "thao túng tiền tệ" là thấp, khi các quan chức có kinh nghiệm trong Bộ Tài chính Mỹ hiện nay hiểu rằng, "Nếu đồng tiền của bạn tăng giá và bạn chỉ cố gắng kiềm chế đà tăng đó, thì đó không phải là vấn đề".
Theo dữ liệu từ thị trường hoán đổi lãi suất, thị trường đang đặt cược khoảng 80% khả năng SNB sẽ hạ lãi suất về mức 0 trong cuộc họp tháng 6 tới, và thậm chí có khả năng lãi suất rơi vào vùng âm vào cuối năm.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Thụy Sĩ hiện chỉ ở mức khoảng 0,3%, sát mức thấp nhất trong mục tiêu lạm phát 0–2% của ngân hàng trung ương.
Gregor Kapferer, trưởng bộ phận trái phiếu Thụy Sĩ tại Vontobel, cho biết SNB "rõ ràng đang rất lo ngại", và nhận định rằng can thiệp ngoại hối sẽ chỉ là "giải pháp cuối cùng".
"Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Thụy Sĩ bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ nhưng không phải chịu hậu quả thực sự nào. Bây giờ Trump hành động quyết liệt hơn, nên tôi nghĩ SNB sẽ cực kỳ thận trọng."
Tuy nhiên, Athanasios Vamvakidis, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối G10 toàn cầu của Bank of America, cho rằng SNB vẫn nên "chống lại xu hướng" bằng cách can thiệp ở mức độ vừa phải.
Ông nói: "Khó mà tưởng tượng được rằng chính quyền Mỹ sẽ phàn nàn nếu có một số hoạt động can thiệp," và cho rằng kịch bản này khả thi hơn so với việc quay lại lãi suất âm.
Ngoại trừ cú sốc năm 2015, đồng USD hiện đang tiến sát mức thấp kỷ lục năm 2011 so với đồng franc.
"Đồng franc có lẽ chỉ cần một thế giới bình yên hơn," Juckes của Socíeté Générale nhận xét. "Nguy cơ lớn là lịch sử cho thấy theo thời gian, nó càng ngày càng mạnh lên".
Theo FT
Du lịch Thái Lan khủng hoảng vì khách Trung Quốc
Sợ mất 95% đơn hàng, doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô lập nhà máy ở Mỹ