Thế giới

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm

Thiên Kim 31/08/2024 22:42

Dự án sẽ là bước ngoặt lớn cho tính bền vững lâu dài của năng lượng hạt nhân, đồng thời đóng vai trò là “hình mẫu cho toàn thế giới”.

Phần Lan đang chuẩn bị trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chôn cất chất thải hạt nhân đã qua sử dụng trong một “ngôi mộ” địa chất, nơi nó sẽ được lưu trữ trong 100.000 năm.

Dự án tiên phong này đánh dấu một bước ngoặt cho tính bền vững lâu dài của năng lượng hạt nhân và là "hình mẫu cho toàn thế giới".

Dự kiến trong năm tới hoặc đầu năm 2026, chất thải hạt nhân đã qua sử dụng có độ phóng xạ cao sẽ được lưu trữ trong các thùng kín chống nước và đặt trong một cơ sở sâu hơn 400m bên dưới các khu rừng ở phía Tây Nam Phần Lan.

Những chiếc thùng bền chắc này sẽ được cô lập, tách biệt khỏi con người và giữ dưới lòng đất hàng nghìn năm.

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm - ảnh 1
Công nhân kiểm tra kho lưu trữ tại ONKALO, một cơ sở chôn cất địa chất sâu dưới lòng đất, được thiết kế để lưu trữ chất thải hạt nhân an toàn. Ảnh: Getty Images

Có tên gọi là “Onkalo”, cơ sở xử lý chất thải dài hạn này nằm trong một mạng lưới đường hầm rộng lớn và được đặt cạnh 3 lò phản ứng hạt nhân trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki khoảng 240km.

Được thành lập vào năm 1995, công ty Posiva được giao nhiệm vụ xử lý giai đoạn cuối cùng của việc loại bỏ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Onkalo.

Pasi Tuohimaa, Giám đốc truyền thông của Posiva, chia sẻ: "Về cơ bản, dự án Onkalo nhằm mục đích xây dựng một nhà máy đóng gói và cơ sở xử lý chất thải hạt nhân đã qua sử dụng. Và nó không phải là tạm thời, mà là mãi mãi".

Phần Lan "đi trước ít nhất một thập kỷ"

Giáo sư hóa học phóng xạ tại Đại học Helsinki, Gareth Law mô tả dự án Onkalo là một "cột mốc lớn" đối với cả Phần Lan và ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân quốc tế.

Ông bình luận: "Posiva rất đúng khi coi đây là dự án đầu tiên trên thế giới. Đây sẽ là cơ sở chôn cất đầu tiên tiếp nhận nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và xử lý chúng một cách an toàn và hiệu quả trong tương lai".

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm - ảnh 2
Phòng tuabin được liên kết với OL3, lò phản ứng mới nhất trong số 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto. Ảnh: Getty Images

Trong khi nhiều quốc gia sẽ muốn noi gương Phần Lan trong việc xử lý chất thải hạt nhân đã qua sử dụng bằng phương pháp địa chất, thì theo giáo sư Law, quốc gia Bắc Âu này "đi trước ít nhất một thập kỷ" so với nước láng giềng Thụy Điển - quốc gia tiếp theo có khả năng đạt được kỳ tích như vậy.

Ông nhận định: “Về mặt khoa học và kỹ thuật, đây là một điều rất khó để thực hiện. Có nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch và thậm chí chỉ đang cố gắng tìm nơi để chứa chất thải. Vì vậy, việc Phần Lan đã xây dựng một kho lưu trữ ngay lúc này và trong 1-2 năm tới có thể vận hành cũng như bắt đầu quá trình xử lý… đây có thể coi là một phép màu”.

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm - ảnh 3
Khu Onkalo nằm cạnh 3 lò phản ứng hạt nhân trên đảo Olkiluoto ở phía Tây Nam Phần Lan. Ảnh: Posiva

Hình mẫu cho toàn thế giới

Dự án Onkalo dựa trên phương pháp “KBS-3” do công ty Quản lý Chất thải và Nhiên liệu Hạt nhân Thụy Điển phát triển, công ty này đang nghiên cứu về kho lưu trữ chất thải hạt nhân thứ 2 trên thế giới.

KBS-3 dựa trên nguyên tắc đa rào chắn, trong đó một số rào chắn được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn lâu dài cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là nếu một trong những rào chắn bị hỏng, thì việc cô lập chất thải phóng xạ vẫn không bị ảnh hưởng.

Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm - ảnh 4
Du khách được giới thiệu và tham quan kho lưu trữ tại ONKALO, cơ sở chôn cất địa chất sâu dưới lòng đất ở Phần Lan. Ảnh: Getty Images

“Đây là một cách để chứng minh rằng một quốc gia nhỏ như vậy có thể giải quyết 1 trong 20 vấn đề hoặc thách thức hàng đầu của nhân loại”, Bộ trưởng Môi trường Phần Lan Kai Mykkänen trả lời CNBC qua hội nghị truyền hình.

Ông nói thêm: “Như chúng ta đã thấy trong 10 năm qua, hạt nhân dường như là yếu tố rất quan trọng đối với kế hoạch xanh hóa ở châu Âu, đặc biệt nếu chúng ta muốn thấy châu Á và Mỹ loại bỏ việc sản xuất điện hóa thạch”.

Khi được hỏi liệu có thể coi dự án Onkalo là giải pháp cho tính bền vững của chất thải hạt nhân hay không, Mykkänen trả lời: “Có, chắc chắn rồi”. Ông hy vọng dự án này sẽ là “hình mẫu cho toàn thế giới”.

Theo CNBC

>> Quốc gia châu Âu xây nhà máy amoniac xanh đầu tiên trên thế giới: Công suất 5.000 tấn, giảm 8.200 tấn khí thải CO2 mỗi năm

Huy động 14 triệu công nhân cùng 2.900 tấn thuốc nổ xây siêu dự án hầm đường sắt dưới biển dài nhất thế giới, độ sâu hơn 240m

Láng giềng Việt Nam triển khai dự án ‘lưu trữ’ gió siêu khủng: Cung cấp 3 tỷ kWh năng lượng sạch hàng năm, giảm 2,8 triệu tấn CO2

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-dau-tien-tren-the-gioi-xay-dung-ngoi-mo-cho-chat-thai-hat-nhan-luu-giu-an-toan-trong-100000-nam-126128.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng ‘ngôi mộ’ cho chất thải hạt nhân, lưu giữ an toàn trong 100.000 năm
POWERED BY ONECMS & INTECH