Nhật Bản ứng dụng công nghệ robot tiên tiến để loại bỏ mảnh vỡ phóng xạ trong lò phản ứng hạt nhân Fukushima
Những mảnh vụn có mức độ phóng xạ cao đến mức chỉ robot chuyên dụng mới có thể hoạt động được.
Vào ngày 19/8, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) thông báo họ sẽ gửi đầu dò vào bên trong một lò phản ứng bị hư hại trong tuần này để thử nghiệm loại bỏ các mảnh vỡ phóng xạ.
Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đặt mục tiêu thu hồi một mẫu nhỏ trong số 880 tấn mảnh vụn phóng xạ được cho là nằm bên trong các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân này.
Mẫu vật sau đó sẽ được nghiên cứu để tìm manh mối về tình trạng và thành phần nguy hiểm bên trong các lò phản ứng.
"Chúng tôi sẽ tiến hành một cách cẩn thận và đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu", một quan chức Tepco phát biểu tại cuộc họp báo hôm 19/8.
Đầu dò mới nhất được trang bị cánh tay robot dự kiến mất khoảng 1 tuần để tiếp cận các mảnh vụn phóng xạ bên trong lò phản ứng và sẽ xuất hiện trở lại cùng với mẫu vật vào tháng tới.
Được biết các mảnh vỡ có mức độ phóng xạ cao đến mức Tepco phải phát triển các robot chuyên dụng mới có thể hoạt động bên trong.
Việc loại bỏ chúng từ lâu đã được coi là thách thức khó khăn nhất trong dự án kéo dài hàng thập kỷ nhằm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Ba trong số sáu lò phản ứng của nhà máy đang hoạt động khi trận sóng thần ập đến vào ngày 11/3/2011, phá hủy các hệ thống làm mát và gây nên thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ Chernobyl.
Trong 3 lò phản ứng của Fukushima, nhiên liệu và các vật liệu đã bị tan chảy và sau đó đông đặc thành "mảnh vụn nhiên liệu" có độ phóng xạ cao.
Trước đó, vào tháng 2, Tepco cũng đã triển khai 2 máy bay không người lái mini và một "robot hình con rắn" vào 1 trong 3 lò phản ứng như một phần của công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tháo dỡ.
Theo Japan News, SCMP
>> Phát hiện 2 công nhân nhiễm phóng xạ tại nhà máy sản xuất chip, Samsung bị điều tra