Láng giềng Việt Nam triển khai dự án ‘lưu trữ’ gió siêu khủng: Cung cấp 3 tỷ kWh năng lượng sạch hàng năm, giảm 2,8 triệu tấn CO2
Khu vực Tân Cương đang củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc.
Theo CGTN, khai thác năng lượng gió mạnh với công nghệ tích hợp lưu trữ gió tiên tiến là một trong những chiến lược chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc.
Trong đó, thành phố Hami ở Tân Cương được liệt kê là một cơ sở năng lượng quốc gia quan trọng với nguồn tài nguyên gió và mặt trời dồi dào.
Dự án tích hợp lưu trữ gió Shisanjianfang, được triển khai tại Bailifeng và trải dài hơn 100km, hiện là dự án lớn nhất ở Tân Cương.
Với công suất lắp đặt là 1.000MW và công suất lưu trữ 300MW/1.200MWh, dự án Shisanjianfang có thể cung cấp khoảng 3 tỷ kWh năng lượng sạch cho lưới điện hàng năm. Tập đoàn China Shipbuilding Group Wind Power Development (CSSC) là đơn vị đầu tư và chịu trách nhiệm xây dựng
Là khu vực nằm trong chiến lược phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc cho điện gió, Bailifengqu thường phải hứng chịu những cơn gió mạnh trong hơn 200 ngày mỗi năm. Tốc độ gió tối đa lên tới 50,28m/s.
Li Shuai, phó Giám đốc văn phòng vận hành trang trại gió, cho biết năng lượng sạch từ gió giúp tiết kiệm khoảng 900.000 tấn than và giảm khoảng 2,8 triệu tấn khí thải CO2, giảm 11.000 tấn oxit nitơ và các chất độc hại khác như hơn 12.900 tấn bụi.
Nhờ sử dụng hệ thống quản lý thông minh, dự án lưu trữ năng lượng có thể tự động điều khiển việc sạc và xả tùy theo nhu cầu của lưới điện.
Li nói thêm: "Dự án sẽ lưu trữ điện trong thời gian nhu cầu thấp và xả khi nhu cầu lưới điện tăng đột biến". Ngoài ra, cơ sở này còn có thể chứa tới 1,2 triệu kWh điện - tương đương với mức sử dụng hàng ngày của 800.000 hộ gia đình 3 người.
Về mặt kỹ thuật, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đặt ra nhiều thách thức về độ an toàn và ổn định của lưới điện.
Do đó, ông Li giải thích, hệ thống lưu trữ gió sẽ giúp giải quyết những thách thức này, thúc đẩy tiêu thụ năng lượng mới, hạn chế việc cắt giảm năng lượng gió và mặt trời, nâng cao hiệu suất sản xuất năng lượng mới và duy trì hoạt động ổn định của lưới điện.
Hiện tại, Tân Cương là khu vực Trung Quốc sở hữu điện áp cao nhất thế giới, khoảng cách truyền tải dài nhất, công suất truyền tải lớn nhất và công nghệ tiên tiến nhất trong các dự án truyền tải điện.
Trong nửa đầu năm 2024, nơi này đã chứng kiến mức tăng 103% so với cùng kỳ năm trước về công suất năng lượng mới lắp đặt.
Với sự phát triển của công nghệ lưu trữ gió và nhà máy điện quang nhiệt, Tân Cương đang củng cố vị thế dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của Trung Quốc.
Theo CGTN