Quốc gia Đông Nam Á đếm ngược đến ngày Mỹ áp thuế 36%: 7 ngành công nghiệp gặp rủi ro, hàng triệu việc làm bị đe dọa
Các lãnh đạo ngành công nghiệp cảnh báo nếu mức thuế 36% được Mỹ giữ nguyên, đơn hàng sản xuất và dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể sẽ chuyển sang các quốc gia cạnh tranh khác, kéo theo sự suy giảm dài hạn trong ngành xuất khẩu của Thái Lan.
Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á hồi hộp trước thời khắc quyết định
Thái Lan đang hồi hộp chờ đợi trước thời hạn ngày 1/8/2025, khi Mỹ dự kiến sẽ công bố quyết định cuối cùng về việc duy trì mức thuế 36% đối với hàng hóa Thái Lan, hoặc hạ xuống mức tương đương với các quốc gia ASEAN khác.
Nếu kết quả không thuận lợi, lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, đá quý và trang sức, điện tử, thiết bị điện, thực phẩm chế biến và sản phẩm cao su sẽ chịu tổn thất nặng nề. Các ngành này phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ.

Hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở sản xuất và việc làm. Các chuyên gia cảnh báo rằng việc duy trì mức thuế cao trong thời gian dài sẽ làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Thái Lan, cản trở dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Trong bối cảnh các đối thủ thương mại cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia đã đạt được mức thuế thấp hơn, Thái Lan có nguy cơ bị gạt ra ngoài cuộc chơi đầu tư toàn cầu.
>> Từ chối hạ thuế xuống 0% đối với hàng Mỹ, quốc gia Đông Nam Á sẽ bị áp thuế đối ứng 36%?
Hơn 400.000 công nhân ngành may mặc "trong tầm ngắm"
Ông Yuttana Silpsarnvitch, thành viên Hội đồng cố vấn và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất may mặc Thái Lan bày tỏ lo ngại sâu sắc về triển vọng xuất khẩu hàng may mặc của “xứ sở Chùa Vàng” trong những tháng còn lại của năm 2025.
“Nếu Mỹ đưa ra quyết định khiến Thái Lan yếu thế hơn so với các đối thủ như Việt Nam – nước đã đạt được mức thuế 20% hoặc Indonesia với mức thuế 19%, các nhà mua hàng sẽ chuyển đơn đặt hàng sang các nước đó”, ông nói. “Trong khi đó, Campuchia vẫn đang đàm phán và chịu mức thuế 36% như Thái Lan”.
Ông Yuttana cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam và Indonesia sẽ mở rộng quy mô tại hai nước này nếu thuế của Thái Lan vẫn ở mức cao. Điều đó sẽ kéo theo việc giảm đơn hàng tại Thái Lan và có thể dẫn đến sự dịch chuyển năng lực sản xuất ra nước ngoài.
Nhiều ngành nghề đối mặt nguy cơ sa thải hàng loạt
Các đại diện ngành công nghiệp cảnh báo nếu mức thuế 36% được giữ nguyên, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ – hiện chiếm tới 38% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này của Thái Lan sẽ giảm mạnh. Việc bù đắp thiệt hại qua các thị trường thay thế là rất khó khăn trong ngắn hạn.
“Mức thuế này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà xuất khẩu và người lao động trong ngành may mặc và dệt, với khoảng 400.000 người bị ảnh hưởng”, ông Yuttana nói.

Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng rằng Thái Lan có thể đạt được mức thuế thấp hơn. “Tôi kỳ vọng Mỹ sẽ chốt ở mức thuế 20 - 25%. Khi đó, Thái Lan vẫn giữ được khả năng cạnh tranh, khách hàng sẽ ở lại và đơn hàng sẽ tiếp tục đến”.
Ngược lại, nếu giữ mức thuế 36%, nhiều nhà xuất khẩu nước này sẽ phải thu hẹp sản xuất, dẫn đếnviệc sa thải hàng loạt người lao động và xuất khẩu suy giảm dài hạn.
Ngành trang sức thấp thỏm, 800.000 lao động đối mặt tương lai bất định
Ông Somchai Phornchindarak, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội đá quý, trang sức và kim loại quý Thái Lan bày tỏ lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của mức thuế mới từ Mỹ.
Ông cho biết xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm nay vẫn cao do các nhà nhập khẩu tranh thủ gom hàng trước ngày 1/8. Tuy nhiên, mức thuế cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.
>> Thái Lan tuyên bố sẵn sàng gỡ bỏ thuế với hầu hết hàng Mỹ nhằm tránh 'đòn giáng' 36% từ ông Trump
Trước đây, Mỹ áp dụng mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình 6–7% với đá quý, trang sức và kim loại quý của Thái Lan. Từ tháng 4 năm 2025, con số này đã tăng lên 10% sau khi Washington điều chỉnh thuế toàn cầu.
Thuế quan tối huệ quốc (MFN) là một nguyên tắc trong thương mại quốc tế. Theo đó, một quốc gia cam kết sẽ không áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với một quốc gia thành viên so với mức thuế thấp nhất mà họ áp dụng cho bất kỳ quốc gia nào khác.
Ông Somchai cho rằng rất khó để Thái Lan đạt được mức 20% như Việt Nam. “Đó sẽ là phép màu”, ông nói. “Việt Nam đã phải chấp nhận xóa bỏ thuế nhập khẩu với hàng Mỹ và cam kết mua hàng hóa Mỹ trị giá hàng chục tỷ USD. Thái Lan không thể làm điều tương tự mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp của chúng tôi, vốn nuôi sống một bộ phận lớn dân số”.
Ông Somchai cho rằng kịch bản thực tế là mức thuế 25%. “Mỹ vẫn còn lo ngại về nhiều vấn đề, như việc hàng Trung Quốc đi đường vòng qua Thái Lan, hay việc Mỹ muốn lập căn cứ quân sự tại Thái Lan – điều mà Thái Lan chưa đồng ý”, ông nói.
Nếu Thái Lan bị áp mức thuế bất lợi hơn so với Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam – những đối thủ lớn trong ngành đá quý, trang sức và kim loại quý, các cơ sở sản xuất tại “xứ sở Chùa Vàng” có thể sẽ đóng cửa thay vì mở rộng.
Hiện ngành này chỉ còn khoảng 700.000 - 800.000 người lao động, giảm mạnh từ con số hơn 1 triệu trong quá khứ.
Hy vọng đặt vào các nhà đầu tư Mỹ khi Thái Lan tìm cách giảm thuế quan đối với hàng xuất khẩu điện tử
Ông Sampan Silapanad, Phó Chủ tịch ngành công nghiệp điện và điện tử tại Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cảnh báo rằng mức thuế cao từ chính quyền của Tống thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến Thái Lan yếu thế rõ rệt so với các nước trong khu vực như Malaysia, Việt Nam và Philippines – những nước có năng lực sản xuất tương tự.
“Trong môi trường sản xuất toàn cầu hiện nay, việc chuyển đơn hàng sang các nước láng giềng là rất dễ dàng”, ông nói.
Việc này sẽ ảnh hưởng cả các nhà sản xuất theo hợp đồng, nhà cung cấp linh kiện và các doanh nghiệp nội địa. Ngành điện – điện tử hiện sử dụng khoảng 600.000 lao động (giảm từ 800.000 - 900.000 trước đây do tự động hóa) và có thể tiếp tục mất thêm nhiều việc làm.
Sự sụt giảm thu nhập hộ gia đình, bao gồm cả lương và tiền làm thêm giờ, sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế.
Khi được hỏi liệu các công ty điện tử Mỹ hoạt động tại Thái Lan có vận động Chính phủ nước này thúc đẩy miễn thuế quan hay ít nhất là giảm thuế suất hay không, ông Sampan xác nhận rằng các công ty Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin và đề nghị hỗ trợ cho chính quyền “xứ sở cờ hoa”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Cuối cùng, chúng ta không thể đoán được ông Trump sẽ quyết định ra sao. Giờ chỉ còn biết chờ đợi thông báo chính thức”.
Ngành cao su lâm nguy
Ông Luckchai Kittipol, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Cao su Thái Lan, cảnh báo rằng nếu Mỹ áp thuế cao, ngành cao su – đặc biệt là sản xuất lốp xe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông cho biết nhiều tập đoàn lớn từ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đã đặt nhà máy sản xuất tại Thái Lan để xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế cao sẽ khiến Thái Lan kém cạnh tranh, kéo theo tác động đến cả ngành găng tay cao su. Tổng số lao động của ngành này là trên 100.000 người.
Ông Pornarit Chounchaisit, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thái Lan cho biết việc nước này không thể cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản Mỹ như ngô, sắn, thịt heo và bò sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á áp thuế đáp trả.
“Thái Lan có thể bị áp thuế cao hơn cả Việt Nam và Indonesia, từ đó phá vỡ nền công nghiệp và khiến các nhà máy chuyển sang nước có rào cản thương mại thấp hơn”, ông nói.
Hàng triệu lao động bị đe dọa trên diện rộng
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành bán lẻ Thái Lan cho biết tác động tức thì lên bán lẻ nội địa có thể không lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, các ngành chủ lực như ô tô, điện tử và nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.
“Để duy trì sức cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm chi phí nguyên liệu – điều này sẽ ảnh hưởng dây chuyền lên nhà cung cấp và lực lượng lao động,” vị này cho biết.
Theo ước tính ban đầu, có khoảng 1–2 triệu lao động làm việc trực tiếp trong các ngành xuất khẩu, cùng vài triệu người trong nông nghiệp và 2–3 triệu lao động trong chuỗi cung ứng liên quan. “Nếu tình hình xấu đi, hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng. Chính phủ cần chuẩn bị các kế hoạch ứng phó khẩn cấp”, nguồn tin nói thêm.
Theo The Nation
>> Đàm phán vẫn mịt mù, Thái Lan lo mất nguồn lợi FDI vào tay Việt Nam
Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á lung lay, đối mặt khủng hoảng ‘việc ít, người nhiều’ tồi tệ nhất 28 năm
Lộ diện top 10 quốc gia vui nhộn nhất thế giới, châu Á có duy nhất 1 đại diện