Quốc gia nào sắp sở hữu tòa tháp dân cư cao nhất thế giới?
Theo thông tin ban đầu, tòa tháp sẽ cao 100 tầng với tổng diện tích sàn lên đến 150.000m2.
Với những tiến bộ về khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng, nhiều tòa nhà chọc trời đang được xây dựng trên khắp thế giới. Thành phố Balneário Camboriú, nằm ở Đông Nam Brazil, đã phê duyệt dự án xây dựng tòa tháp Triumph với chiều cao 544m. Dự kiến, khi hoàn thành, đây sẽ trở thành tòa nhà dân cư cao nhất thế giới.
Dự án này do Công ty FG Empreendimentos phát triển tại khu vực Barra Sul, một trong những khu vực sầm uất nhất của thành phố. Tòa tháp Triumph sẽ được xây dựng cùng với hai biểu tượng kiến trúc hiện có là Yachthouse và One Tower, tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo và đẳng cấp.
Theo thông tin ban đầu, tòa tháp sẽ cao 100 tầng với tổng diện tích sàn lên đến 150.000m2. Dự án này được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và góp phần nâng cao vị thế của thành phố như một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Jean Graciola, nhà đồng sáng lập của FG Empreendimentos, chia sẻ tại một buổi phỏng vấn với Báo NSC: “Chúng tôi đã sẵn sàng để kiến tạo một tương lai đột phá cho ngành xây dựng”.
>> Người lao động thu nhập thấp có cơ hội an cư vì được vay mua nhà ở xã hội lên mức tối đa
Không chỉ có Brazil, một số quốc gia khác cũng sở hữu những tòa nhà chọc trời ấn tượng:
1. Tòa tháp Burj Khalifa (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE): Tọa lạc tại Dubai, Burj Khalifa cao 828m với 161 tầng, là tòa nhà cao nhất thế giới.
Khánh thành vào năm 2010, công trình này được xây dựng trong 19 năm và được thiết kế bởi Công ty tư vấn kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill (SOM). Tòa tháp là tổ hợp thương mại gồm nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp
2. Tháp Willis (Hoa Kỳ): Cũng do SOM thiết kế, tháp Willis ở Chicago từng là tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1973-1998, với chiều cao 527m, 110 tầng nổi và 3 tầng hầm.
Đây là trụ sở của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia, bao gồm cả Hãng hàng không United Airlines
3. Tháp đôi Petronas (Malaysia): Tọa lạc tại Kuala Lumpur, tháp đôi Petronas với chiều cao 452m đã giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1999-2004.
Hiện nay, Petronas vẫn là tòa tháp đôi cao nhất thế giới, với 88 tầng nổi và 5 tầng hầm, được thiết kế bởi Pelli Clarke & Partners.
4. Tháp Thượng Hải (Trung Quốc): Tháp Thượng Hải, cao 632m, hiện là tòa nhà cao thứ ba thế giới và nổi bật tại trung tâm thành phố cảng phía Đông Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều công trình cao tầng ấn tượng khác như Trung tâm Tài chính Quốc tế ở Hồng Kông (415m), Tháp Tài chính quốc tế Bình An ở Thâm Quyến, và China Zun ở Bắc Kinh (527m).
>> Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam chốt phương án điều chỉnh gần 3.000m2 đất thương mại dịch vụ thành đất ở