Tiền ảo hiện chưa được công nhận ở Việt Nam nhưng thực tế các giao dịch bằng loại tiền này phổ biến, nên Thủ tướng đánh giá cần quy định trong luật.
Chiều ngày 24/10, tại thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, khi thảo luận ở Chính phủ có hai loại ý kiến liên quan tới điều chỉnh giao dịch bằng tiền ảo và chống rửa tiền qua loại tiền này. Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nên Chính phủ thống nhất chưa quy định loại tiền này vào dự luật khi trình Quốc hội.
Tuy nhiên theo Thủ tướng, dù tiền ảo ở Việt Nam hiện nay chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, do đó cần nghiên cứu chế tài để quản lý.
"Tôi cũng rất sốt ruột về chỗ này khi mình chưa công nhận, nhưng thực tế người ta vẫn giao dịch", Thủ tướng nói.
Trước thực tế thay đổi, diễn biến nhanh, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, "cần nghiên cứu chế tài phù hợp và nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
Góp ý trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ... thì hiện còn rất nhiều loại giao dịch phổ biến khác như tiền ảo.
Ông Trình Lam Sinh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang, nhận xét nhiều người tham gia vào sàn tiền ảo và đây có thể thành điểm rửa tiền để tài trợ cho các loại tội phạm, như tội phạm khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt...
“Tôi đề nghị bổ sung thêm một loại nữa là tiền ảo. Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, chưa đồng ý nhưng thực tế có giao dịch rất nhiều. Và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo, như vậy đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất”, ông Sinh nói.
Cũng nhắc tới tiền ảo, tiền điện tử khi các giao dịch qua loại tiền này đang phổ biến, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nói, rửa tiền qua tiền điện tử là nguy cơ hiện hữu.
Cùng ý kiến, ông Đào Hồng Vận (đại biểu tỉnh Hưng Yên) nhận xét, nếu dự luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi lần này không quy định về tiền ảo, giao dịch tiền ảo thì "đây sẽ là kẽ hở cho rửa tiền".
Ông ví dụ, tổ chức, cá nhân dùng tiền thật mua tiền ảo, rồi đem tiền ảo ra nước ngoài để chuyển thành tiền thật, tức là dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài mà không bị nhà nước quản lý.
Đề cập tới hình thức giao dịch qua tiền ảo, ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, hình thức này cũng giống như thủ đoạn sử dụng trò chơi trực tuyến. Các đối tượng có thể lợi dụng, dùng tiền bẩn để mua tiền ảo, sau đó rút ra tiền mặt.
Trước nguy cơ rửa tiền, các đại biểu đề nghị dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) cần bổ sung quy định về tiền ảo, giao dịch tiền ảo.
Dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường ngày 1/11 và thông qua vào cuối kỳ họp thứ 4.
7 thủ đoạn rửa tiền
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu lên 7 thủ đoạn tội phạm thường dùng để rửa tiền hiện nay gồm: Rửa riền thông qua hình thức thành lập công ty vỏ bọc để mua bán khống hàng hóa; thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến; rửa tiền qua hình thức núp bóng gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch; rửa tiền thông qua hình thức chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được hưởng thừa kế; nhờ người thân mua bán, chuyển nhượng hoặc cho tặng bất động sản; mua bán cổ phiếu, trái phiếu; cung cấp các dịch vụ tiền ảo, bitcoin.
Đặc biệt đối với tiền ảo, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhập hoạt động này nhưng rất nhiều hiệp hội hoặc tổ chức vẫn đang thực hiện hoạt động này. Ông Đức cảnh báo hình thức này cũng giống như trò chơi trực tuyến là dùng tiền thật để mua tiền ảo rồi đổi lại tiền thật. Như vậy các đối tượng có thể lợi dụng dùng tiền bẩn mua tiền ảo rồi rút ra thành tiền sạch.
Thái Lan và Việt Nam "On Top" những điểm nóng về giao dịch tiền ảo trong ASEAN