Rạch chống ngập gần 900 tỷ cho quận đông dân nhất tại TP. HCM ra sao sau 3 năm cải tạo?
Sau 3 năm tiến hành thi công, dự án rạch chống ngập cho quận đông dân nhất tại TP. HCM hiện đã đạt 75% khối lượng.
Được khởi công từ tháng 10/2021, dự án cải tạo rạch Bà Tiếng có chiều dài 2,6km đi qua 3 phường gồm An Lạc, An Lạc A và Bình Trị Đông B (quận Bình Tân).
Rạch Bà Tiếng được xem là một trong những công trình môi trường trọng điểm tại TP. HCM với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng.
Dự án rạch gồm 2 phần gồm xây dựng đường giao thông kết hợp lắp cống hộp (đoạn từ đường Vành Đai Trong đến đường Hồ Học Lãm) và xây dựng kênh hở kết hợp với đường giao thông hai bên rạch (đoạn từ đường Hồ Học Lãm đến rạch Nước Lên).
>> Cầu vượt biển 2.400 tỷ dài nhất miền Trung sắp hợp long
Về cơ bản hiện dự án kênh hở dài 235m về cơ bản đã hoàn thành bao gồm các hạng mục như lòng kênh, vỉa hè và đường giao thông hai bên rạch.
Đoạn xây dựng từ đường giao thông kết hợp với lắp cống hộp của dự án cải tạo rạch Bà Tiếng hiện đã được san lấp và lắp cống hộp.
Công nhân cùng các loại xe cơ giới hiện đang tất bật thi công thảm nhựa trên đoạn đường này và sau khi hoàn thành, mặt đường trải nhựa sẽ có chiều rộng 14m.
Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân làm chủ đầu tư.
Sau gần 3 năm thi công, đến nay dự án đã đạt được 75% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025.
Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng ảnh hưởng đến 245 hộ dân, trong đó có 19 hộ giải tỏa hoàn toàn. Hiện có 235/245 hộ đã bàn giao mặt bằng cho dự án.
Dự kiến, cầu Bà Tiếng nằm trên trục đường Hồ Ngọc Lãm sẽ được gỡ bỏ để thi công dự án trong thời gian tới.
Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng sau khi hoàn thành sẽ giúp thoát nước và chống ngập cho khu vực khoảng 300ha qua các đường, khu vực trọng điểm của 3 phường An Lạc, An Lạc A và Bình Trị Đông B, khu dân cư Bình Trị Đông và cả trụ sở UBND quận Bình Tân.
Quận Bình Tân hiện có khoảng 800.000 dân được xem là quận đông dân nhất tại TP. HCM.
Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng được Sở Xây dựng TP. HCM phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 10/2019. Trước đó, khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như hỗ trợ tái định cư đã được UBND TP. HCM chủ trương tách riêng thành dự án và bàn giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 482 tỷ đồng.
>> Chi 750 tỷ đồng nâng cấp tuyến huyết mạch nối Kiên Giang với TP lớn nhất vùng hạ lưu sông Mê Kông