Là một trong những mã được mua bán nhiều nhất trên sàn chứng khoán, Hòa Phát (HPG) là điểm đến của “dòng tiền nhàn rỗi” nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Phiên 12/6, “anh cả” Hòa Phát (HPG) tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu khi là mã bluechip ngành thép duy nhất giữ được “sắc xanh”. Đây cũng là phiên thứ 8 tăng điểm của HPG, theo đó, mã này đã tăng một mạch từ đầu tháng 6/2023 lên mức 22.950 đồng/cp (+8%).
Diễn biến tích cực của HPG đang dần đưa các nhà đầu tư “gồng lỗ” hơn một năm qua “về bờ”. Là một trong những cổ phiếu được mua bán nhiều nhất trên sàn chứng khoán, HPG nằm trong danh mục đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
BCTC TVC |
Đà rơi tự do năm của HPG từ đỉnh 43.000 đồng/cp (tháng 10/2021) đã khiến nhiều công ty niêm yết trên thị trường thua đau. Điển hình là CTCP Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) với khoản dự phòng giảm giá HPG tại thời điểm 31/3/2023 lên tới 274 tỷ đồng. Chứng khoán Trí Việt (TVB) cũng không thua kém khi lỗ đến 48% khoản đầu tư vào Hoà Phát. Thậm chí, TVB đã “đu đỉnh”, gánh lỗ HPG từ năm 2021.
TVB lỗ 48% khoản đầu tư vào HPG tính đến ngày 31/3/2023 |
Cụ thể, danh mục chứng khoán kinh doanh của Trí Việt tại ngày 31/12/2021 có tổng giá vốn là 901 tỷ đồng, giá trị hợp lý cuối kỳ là 894 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu vào 3 mã: HPG, TCB và FPT. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Trí Việt là HPG, với giá gốc là 555 tỷ đồng. Giá trị hợp lý cuối kỳ đối với khoản đầu tư này được Trí Việt ghi nhận là xấp xỉ 540 tỷ đồng, tức là công ty đã lỗ 15 tỷ đồng. So sánh với BCTC quý 3/2021 của Trí Việt, có thể thấy Công ty đã gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu HPG trong quý 4/2021, bởi tại ngày 30/9/2021, giá gốc khoản đầu tư HPG là 310 tỷ đồng. Đáng chú ý, quý cuối năm 2021 chính là thời điểm HPG tạo đỉnh ở mức giá 43.000 đồng/cp. Theo đó, TVB đã ghi nhận lỗ khoản đầu tư vào Hòa Phát trong suốt thời gian qua.
TVB, TVC đã gồng lỗ HPG qua nhiều quý |
Tuy nhiên, với việc HPG đã tăng thêm 10% so với thời điểm 31/3/2023 và 59% so với mức đáy tháng 11/2022, các khoản lỗ tại hai công ty nhà Trí Việt đã vơi dần.
DHA mua 2,6 triệu cổ phiếu Hoà Phát (HPG) |
Tiếp đến là CTCP Hoá An (DHA), doanh nghiệp khai khoáng sở hữu 2,64 triệu đơn vị với giá gốc 80,3 tỷ đồng, tương ứng khoảng 30.800 đồng/cp. Tại thời điểm cuối quý 1/2023, thị giá HPG thấp hơn 33% so với giá DHA mua vào, trong khi mức giá hiện tại chỉ còn thấp hơn 26%, thu nhỏ số lỗ về mức 20,8 tỷ đồng.
CMC trích lập dự phòng hơn 1 tỷ cho HPG trong quý 1/2023 |
CMC nắm giữ 117.500 cổ phiếu Hoà Phát với số vốn bỏ ra là 3,2 tỷ đồng đã phải trích lập dự phòng giảm giá đến hơn 1 tỷ trong quý 1/2023. Tuy nhiên, với chuỗi thăng hoa của HPG trong những phiên vừa qua, hiện CMC chỉ còn lỗ khoảng 500 triệu đồng.
Mua cổ phiếu HPG, NDN lãi 13 tỷ |
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Nhà Đà Nẵng (NDN) khá “mát tay” khi bắt đáy khoảng hơn 2,2 triệu cổ phiếu HPG trong quý 4/2022. Đến thời điểm 31/12/2022, khoản đầu tư vào cổ phiếu đầu ngành thép có giá gốc 35,3 tỷ đồng nhưng có giá trị hợp lý đến gần 40 tỷ đồng, tương ứng khoản thặng dư 4,7 tỷ đồng. Điều đặc biệt, HPG là cổ phiếu duy nhất tạm lãi trong danh mục của doanh nghiệp bất động sản này tính đến cuối năm 2022. Sang quý 1/2023, NDN tiếp tục rót hơn 43 tỷ vào Hoà Phát và có lời 13 tỷ đồng (tương đương 17%). Như vậy, nhịp tăng của HPG thời gian qua cũng góp thêm đáng kể vào lợi nhuận chứng khoán kinh doanh của NDN.
Công trình triển lãm Top 10 thế giới của Vingroup đã tiêu thụ 10.000 tấn thép Hòa Phát
Cú ‘bắt tay’ lịch sử: Vingroup và Hòa Phát cùng nhau làm trung tâm triển lãm lớn nhất Đông Nam Á