Để chống lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 6/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã trả lời những vấn đề liên quan đến việc nới "room".
Theo đó, ông cho biết, ngay từ đầu năm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được đưa ra.
Mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.
Việc đưa ra mục tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu,..
Hiện việc điều chỉnh “room” tín dụng đợt này của NHNN vẫn dựa trên đơn xin “nới room” của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN nước với các ngân hàng này.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, trong điều kiện Việt Nam đang phải chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô rõ ràng cần tăng lãi suất. Hiện tại, các nước phát triển trên thế giới đều đang phải thực hiện phương pháp này.
Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương đang tăng nhanh lãi suất mà Việt Nam vẫn giữ nguyên được lãi suất cũng có thể coi là hạ lãi suất so với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay lãi suất với mức giá rẻ hơn.
“Năm 2022 lẽ ra phải tăng lãi suất, nhưng NHNN không thay đổi mặt bằng lãi suất. So với tương quan các nước có xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất nhanh thì Việt Nam thực tế lại giảm lãi suất để các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn với giá rẻ hơn”, ông Tú nói và cho biết lãi suất huy động và cho vay chỉ tăng lần lượt 0,25% và 0,24%, mức tăng thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Dù vậy, việc điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
Tổng giá trị hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh của các Ngân hàng là 52.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí của mình để dành dự địa hỗ trợ các doanh nghiệp.
Diễn biến thị trường tiền tệ trong tháng 8/2022: Nới room tín dụng