Rủi ro hủy niêm yết đe dọa các tập đoàn bất động sản Trung Quốc

07-06-2023 19:27|Thủy Tiên

Sóng gió vẫn chưa qua đi đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo một số tập đoàn bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết, đồng nghĩa với việc có ít lựa chọn hơn trong việc tái cấu trúc và tăng rủi ro thanh lý.

Sichuan Languang Development Co., công ty xây dựng các toà nhà dân cư và văn phòng có trụ sở tại Thành Đô, Tứ Xuyên ngày 6/6 trở thành công ty cổ phần bất động sản hạng A đầu tiên bị hủy niêm yết khỏi thị trường chứng khoán Thượng Hải. Trước đó, Sinic Holdings đã bị hủy niêm yết tại Hồng Kông vào tháng Tư.

Tại Trung Quốc đại lục, S&P đã xác định 11 công ty có nguy cơ bị hủy niêm yết, bao gồm Shanghai Shimao – công ty con của “đại gia” Shimao Group Holdings và Yango Group, một nhà phát triển bất động sản cỡ trung tại nước này.

Cả 2 công ty đều đóng cửa dưới hoặc ngay trên mức 1 nhân dân tệ vào ngày 5/6 hoặc trước khi tạm dừng giao dịch, đồng thời có tổng số trái phiếu trong và ngoài nước đang lưu hành trị giá 21 tỷ USD.

Rủi ro hủy niêm yết đe dọa các tập đoàn bất động sản Trung Quốc
Cổ phiếu nhiều nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã lao dốc xuống dưới ngưỡng 1 nhân dân tệ trong các phiên giao dịch gần đây.

Theo nghiên cứu thực nghiệm của S&P, các nhà đầu tư thường chỉ thu hồi được khoảng 2-4 cent trên một USD khi thanh lý. Thanh lý cũng dẫn đến chấm dứt công việc, có nghĩa là những ngôi nhà mà người mua đã đặt trước có thể không được hoàn thành.

Theo Esther Liu, nhà phân tích tín dụng của S&P, “hủy niêm yết là cách giúp các nhà phát triển Trung Quốc phục hồi cũng như giúp các nhà đầu tư lấy lại tiền của họ”.

Sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến hủy niêm yết đối với các công ty có cổ phiếu giao dịch dưới 1 nhân dân tệ trong 20 ngày liên tiếp, trong khi sàn giao dịch Hồng Kông sẽ hủy niêm yết nếu cổ phiếu của các công ty đó ngừng giao dịch trong 18 tháng.

Các nhà phát triển bất động sản tư nhân của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ giữa năm 2021 do chính sách thắt chặt tín dụng của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp bất động sản nhằm hạn chế những rủi ro từ tình trạng vay nợ quá mức trong giai đoạn thị trường phát triển.

Kết quả là nhiều công ty đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, điển hình là vụ nổ “bom nợ” Evergrande.

Với khối nợ hơn 300 tỷ USD, việc Evergrande vỡ nợ không chỉ gây tổn thất cho các nhà đầu tư đang nắm giữ 1,2 tỷ USD trái phiếu niêm yết bằng đồng USD của hãng, mà còn kéo theo sự sụp đổ của cả ngành bất động sản, vốn tạo ra 25% giá trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande nhanh chóng lan ra các đối thủ cạnh tranh như Shimao Group Holdings Ltd. và Guangzhou R&F Properties Co., đã “hô biến” hơn 1.000 tỷ USD của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Vingroup sẽ cùng một tập đoàn Trung Quốc xây dựng cầu Tứ Liên qua sông Hồng

Chung cư khổng lồ 20.000 người ở: Tiền thân là khách sạn 6 sao, thiết kế ‘sang chảnh’ nhưng giá thuê chưa đến 4 triệu đồng/tháng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/rui-ro-huy-niem-yet-de-doa-cac-tap-doan-bat-dong-san-trung-quoc-186737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Rủi ro hủy niêm yết đe dọa các tập đoàn bất động sản Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH