Đạt mức lợi nhuận kỷ lục sau 5 năm đổi chủ, Sabeco vẫn chưa hoàn toàn lấy lại những gì đã mất sau 2 năm đặc biệt khó khăn.
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng, tăng mạnh so với 3 quý đầu năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ chi phí giá vốn, SAB ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% YoY. Biên lãi gộp đạt 28% cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 27,7%.
Trong quý, doanh thu tài chính của Sabeco tăng 24% lên 324 tỷ đồng. Chi phí tài chính cao gấp 3 lần cùng kỳ, trong khi chi phí bán hàng cũng đạt 1.612 tỷ đồng (tăng mạnh 70%), chủ yếu do chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết. Kết quả, công ty lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý 4/2022, giảm 23% YoY.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Tương đương doanh thu bình quân hơn 96,5 tỷ mỗi ngày. Lợi nhuận trước và sau thuế của công ty lần lượt đạt 6.813 tỷ đồng và 5.500 tỷ - tăng khoảng 40% so với năm 2021.
Đơn vị: Tỷ đồng. |
Mức tăng trưởng này ngoài nguyên nhân Sabeco phục hồi nhanh, tiết giảm chi phí còn đến từ kết quả năm 2021 rất thấp trong bối cảnh tiêu thụ bia rơi xuống mức đáy nhiều năm vì đại dịch Covid-19. Nếu so với năm đỉnh cao 2019, doanh thu năm 2022 của Sabeco mới phục hồi hơn 90%. Dù vậy, lợi nhuận của công ty đạt 5.500 tỷ đồng là mức kỷ lục mới.
Cả năm 2022, Sabeco chi hơn 3.000 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mại, tăng khoảng 870 tỷ so với năm trước đó và gấp đôi năm 2019. Các chương trình hỗ trợ bán hàng và tiếp thị sản phẩm cũng thúc đẩy doanh số bán hàng cho nhãn hàng.
Trong năm 2022, Sabeco đặt mục tiêu đạt 34.791 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.581 tỷ đồng LNST. Như vậy với kết quả trên, công ty đã hoàn thành vượt chỉ tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SAB là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 19.411 tỷ đồng (tăng 14%); hàng tồn kho hơn 2.193 tỷ đồng (tăng 31%); các khoản phải thu ngắn hạn 897 tỷ đồng (tăng 92%); trong đó trích lập 295 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả hơn 9.874 tỷ đồng, tăng hơn 25%, chiếm phần lớn là nợ phải trả người bán ngắn hạn (hơn 2.766 tỷ đồng); cổ tức phải trả (hơn 2.293 tỷ đồng).
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó LNST chưa phân phối chiếm hơn phân nửa, đạt gần 15.565 tỷ đồng.
Năm 2022 cũng là thời điểm đánh dấu tròn 5 năm Sabeco từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev. Trước đó vào tháng 12/2017, ThaiBev bỏ gần 5 tỷ USD để mua lại 53,6% cổ phần Sabeco thuộc sở hữu của Bộ Công Thương.