Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định, lạm phát nếu tiếp tục gia tăng sẽ không có lợi cho thị trường chứng khoán.
Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" vừa kết thức, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán đang gặp áp lực từ những yếu tố bên ngoài như lạm phát và Fed tăng lãi suất tại Mỹ; chính sách "Zero Covid" tại Trung Quốc cùng với căng thẳng chính trị Nga - Ukraine.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định, lạm phát nếu tiếp tục gia tăng sẽ không có lợi cho thị trường chứng khoán.
"Thị trường sẽ chạm đáy nếu như lạm phát đạt đỉnh" ông Hưng nói. Hiện nay các chỉ số lạm phát tại Mỹ đang đi ngang nhưng sau này có giảm không thì lại chưa chắc chắn. Ông khẳng định là đây là vấn đề lớn mà nhà đầu tư nên theo dõi.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là cầu tiêu dùng đang ở mức thấp. Nếu Trung Quốc mở cửa, các hoạt động sản xuất trên thế giới hồi phục thì sẽ xuất hiện một nguồn cung "như vũ bão".
Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh Hội sở CTCP Chứng khoán SSI, nhà đầu tư trung và dài hạn sẽ quan tâm nhiều đến yếu tố vĩ mô để biết mình đang đứng ở đâu. Còn trong ngắn, hạn nhà đầu tư nên nhìn nhận lại dòng tiền.
Ví như năm 2009, khi lạm phát Việt Nam ở mức 18% thì thị trường đã điều chỉnh giảm khoảng 30%. Khi lạm phát giảm thì thị trường lại phát triển ổn định. Đến năm 2015 Nhà nước đã tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho thị trường bất động sản với lãi suất 5% làm giảm nợ xấu giảm giúp thị trường chứng khoán lại tăng tiếp.
Với cá nhân bà Dung, khi lạm phát tăng thì lãi suất cũng tăng theo, có thể là tỷ giá USD cũng tăng; nhà đầu tư có thể lựa chọn mua cổ phiếu của những doanh nghiệp xuất khẩu vì những công ty này sẽ được hưởng lợi từ đó.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn những doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt nhiều hơn, tỷ lệ nợ vay thấp hoặc vay nước ngoài thấp thì có thể tránh được rủi ro tài chính.
Ngoài lạm phát, nhà đầu tư cũng đang quan tâm tới việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có cuộc họp vào giữa tháng 6 và có thể tiếp tục tăng lãi suất với kịch bản xấu nhất là tăng 0,75%. Theo bà Dung, việc tăng lãi suất này sẽ gây ra nhiều tiêu cực cho thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, Fed đã có những cuộc họp trước đó về vấn đề này để dự báo trước mức tăng là bao nhiêu nhưng nếu có cú "quay xe" cuối cùng chuyển sang tăng 0,75% thì sẽ gây ra cú sốc lớn cho các nhà đầu tư.