Sắp công bố kết quả điều tra vụ kiện thép HRC giá rẻ từ Ấn Độ, Trung Quốc của Hòa Phát, Formosa
Tại Việt Nam, chỉ có Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa đủ năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC).
Vào ngày 19/3/2024, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).
Đến ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ 2 quốc gia này. Hiện vụ kiện này đang ở giữa bước 3, 4 và đang chờ kết quả điều tra sơ bộ từ Bộ Công Thương. Theo đó, Chứng khoán Vietcap nhận định kết quả chống bán phá giá tạm thời có thể được công bố vào cuối quý I/2025.
![]() |
Ảnh: Chứng khoán Vietcap |
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2024, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đã giải đáp thắc mắc của cổ đông xoay quanh vụ kiện HRC nhập khẩu. Vị tỷ phú này khẳng định việc khởi xướng điều tra là bước đi theo chuẩn mực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là chuyện thường thấy trong bối cảnh quốc tế. Ông Long cũng nhấn mạnh rằng khi Việt Nam xuất khẩu ra thế giới cũng phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá tương tự.
“Trước khi là cổ đông của Hòa Phát, tất cả chúng ta đều là công dân Việt Nam và chúng ta nên ủng hộ sản xuất trong nước. Đánh giá một cách khách quan, không quốc gia nào chấp nhận tình trạng thép nhập khẩu vượt quá sản xuất nội địa”, ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu hụt thép HRC trong nước, Hòa Phát đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi. Dự kiến lò cao đầu tiên sẽ chạy thử nghiệm vào quý I/2025 trước khi đi vào vận hành chính thức, nâng công suất HRC hàng năm của Hòa Phát lên 5,6 triệu tấn. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, bổ sung thêm 2,8 triệu tấn, nâng tổng công suất lên 8,4 triệu tấn mỗi năm.