Xuất khẩu thép Việt Nam đối mặt rào cản thuế mới tại Mỹ: Hòa Phát ‘thoát hiểm’ nhờ xoay trục chiến lược, nhóm tôn mạ chật vật ứng phó
Chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ có mức độ tác động khác nhau đối với các doanh nghiệp thép lớn niêm yết như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG) và Tôn Đông Á (GDA).
Trong phiên ngày 10/2, VN-Index chìm trong sắc đỏ trong suốt thời gian giao dịch trước áp lực bán dâng cao. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu thép trở thành tâm điểm với hàng loạt mã giảm sâu: HPG (-4,7%), HSG (-4,5%), GDA (-4,8%), SMC (-6,8%), NKG (-3,6%), TVN (-6,7%), VGS (-4,2%).
Đà giảm này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế mới 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bổ sung cho thuế quan kim loại hiện có. Nếu chính sách này được thực thi, các doanh nghiệp thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực.
![]() |
Cổ phiếu thép chìm trong sắc đỏ trước thông tin áp thuế thép, nhôm nhập khẩu của Mỹ |
Đánh giá về vấn đề này, FPTS Research nhận định chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng do thị phần xuất khẩu thép vào Mỹ của Việt Nam vẫn thấp so với các thị trường như Liên minh châu Âu (EU) và Đông Nam Á, lần lượt chiếm 13,6% về sản lượng và 14,8% về giá trị trong năm 2024.
Theo thống kê, ngành thép Việt Nam hiện tập trung xuất khẩu các sản phẩm chính gồm phôi thép, thép cán nguội (CRC), thép cuộn cán nóng (HRC), tôn mạ và thép xây dựng. Trong năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu của từng sản phẩm lần lượt là 20%, 4%, 19%, 30% và 15%.
Trong đó, thị trường xuất khẩu của phôi thép có sự phân bổ khá đồng đều với Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 28%, Mỹ 27% và Ý 17%. Đối với CRC, Bỉ là thị trường lớn nhất với 30%, tiếp đến là Indonesia 28% và Mỹ 27%.
HRC tập trung xuất khẩu mạnh vào thị trường Mexico chiếm 38%, tiếp theo là Malaysia 29% và Indonesia 27%. Mặt hàng tôn mạ ghi nhận Mỹ là thị trường chủ đạo với 21%, Bỉ 15%, trong khi Tây Ban Nha và Campuchia cùng đóng góp 13%. Thép xây dựng chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia chiếm 31%, Hà Lan 12% và Singapore 11%.
![]() |
Thị trường Mỹ chiếm 13,6% về sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam |
Từ cơ cấu thị trường trên, FPTS Research nhận định chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ có mức độ tác động khác nhau đối với các doanh nghiệp thép lớn niêm yết.
Cụ thể, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được dự báo chịu ảnh hưởng thấp khi doanh thu từ xuất khẩu thép chỉ chiếm dưới 30% tổng doanh thu, trong đó thị trường Mỹ đóng góp chưa đến 10%. Đặc biệt, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đang có xu hướng chuyển dịch sang kênh tiêu thụ nội địa, trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, EU và Ấn Độ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép. Chiến lược này còn được thúc đẩy nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ từ các dự án cơ sở hạ tầng gia tăng.
Ngược lại, nhóm doanh nghiệp tôn mạ được dự báo đối mặt với rủi ro lớn hơn. Trong đó, Tôn Đông Á (GDA) và Nam Kim (NKG) chịu tác động nặng nề hơn so với Hoa Sen (HSG) do Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực.