Doanh nghiệp Việt mở ra bước ngoặt nội địa hóa: THACO chế tạo toa xe, thép Hòa Phát ‘lăn bánh’ trên đường ray dự án 67 tỷ USD
Các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, THACO, Đèo Cả sẽ nghiên cứu sản xuất các thành phần quan trọng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hướng đến gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với CTCP Tập đoàn Trường Hải (THACO) và đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiến tới sản xuất đầu máy trong tương lai. Đây được coi là bước khởi động quan trọng nhằm khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia vào siêu dự án hạ tầng chiến lược của quốc gia.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo các tập đoàn lớn như THACO và Hòa Phát (HoSE: HPG).
Tại hội nghị, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, nhấn mạnh: "Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD là một công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia. Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu và đủ năng lực cung cấp thép cho đường ray tốc độ cao ngay tại Việt Nam".
Được biết, Hòa Phát đã tiên phong nghiên cứu sản phẩm thép ray trong 3 năm qua và dự kiến sản xuất thanh ray dài từ 50m đến 100m tại nhà máy ở Phú Yên (tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng).
Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch Trần Đình Long cam kết: "Chúng tôi sẽ cung cấp đủ 6 triệu tấn thép các loại cho dự án, đặc biệt là thép đường ray tốc độ cao và thép dự ứng lực cường độ cao. Tất cả sản phẩm đều đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và tiến độ dự án". Về giá cả, ông khẳng định HPG cam kết cung cấp với giá cạnh tranh, thấp hơn thép nhập khẩu.
![]() |
Các doanh nghiệp Việt cùng kiến tạo xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa |
Không chỉ Hòa Phát, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia vào dự án đường sắt lớn nhất lịch sử này nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Điển hình, Tập đoàn Đèo Cả đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt được tham gia các hạng mục quan trọng như cầu và đường hầm. Trong khi đó, các hợp phần phức tạp hơn như đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu được kiến nghị cho liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hiện.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km với tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Theo kế hoạch, từ năm 2025, các nhà thầu tư vấn sẽ được lựa chọn để tiến hành khảo sát và lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2026. Quá trình lựa chọn nhà thầu cho giai đoạn thi công và ký kết hợp đồng sẽ diễn ra trong quý IV/2027, sẵn sàng cho việc khởi công dự án.
Dự án này không chỉ có ý nghĩa thay đổi diện mạo ngành giao thông mà còn là cơ hội thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.