Sáp nhập địa giới hành chính: Đây sẽ là đặc khu duy nhất của Việt Nam có ‘mỏ vàng’ di sản được UNESCO công nhận
Dự kiến, cả nước sẽ hình thành 13 đặc khu hành chính - gồm các huyện đảo và thành phố đảo trước đây.
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ dừng hoạt động kể từ ngày 1/7. Chậm nhất đến ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm xã, phường và đặc khu) sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Các huyện đảo và thành phố đảo sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hành chính cấp xã, với tên gọi là đặc khu. Cả nước sẽ có 13 đặc khu là Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc và Thổ Châu.
Trong đó, Cát Hải (Hải Phòng) sẽ là đơn vị đặc biệt khi sở hữu Cát Bà - nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ nhiều danh hiệu quốc tế và quốc gia như Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới; Di sản Thiên nhiên Thế giới (cùng với vịnh Hạ Long); Vườn Quốc gia Cát Bà...

Huyện Cát Hải được thành lập vào năm 1977 trên cơ sở sáp nhập hai huyện Cát Hải và Cát Bà, với diện tích tự nhiên 345km² và dân số gần 32.000 người (theo số liệu năm 2019). Huyện bao gồm 366 hòn đảo, trong đó nổi bật nhất là đảo Cát Bà - trung tâm du lịch sinh thái biển và cửa ngõ giao thương quan trọng nhờ cảng nước sâu Lạch Huyện.

Cát Hải hiện đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế biển và logistics của khu vực phía Bắc. Tại đây, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải là điểm đến của nhiều dự án quy mô lớn, quy tụ các khu công nghiệp và cảng biển hiện đại.
Ngành công nghiệp ô tô tại Cát Hải cũng tạo được dấu ấn đáng kể. Nhà máy sản xuất ô tô VinFast có những dòng sản phẩm tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu, sản phẩm ô tô điện, xe buýt thân thiện môi trường, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Bắc Mỹ.

Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động logistics, thu hút đầu tư, đồng thời đưa Cát Hải trở thành mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng của toàn vùng kinh tế phía Bắc.

Đặc biệt, Cát Hải còn được mệnh danh là “mỏ vàng” du lịch với nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Quần đảo Cát Bà gồm 366 đảo lớn nhỏ là điểm nhấn nổi bật với Vườn Quốc gia Cát Bà và hệ sinh thái phong phú. Vùng biển Cát Bà được công nhận là Khu bảo tồn biển của Việt Nam, đồng thời là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Nơi đây hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam như rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và hệ thống các hang động là nơi sinh tồn của hàng nghìn loài động, thực vật trong đó có các loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là Voọc Cát Bà, loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, phía Đông Nam của đảo Cát Bà có vịnh Lan Hạ, với nhiều bãi cát nhỏ, nước trong và xanh, sóng nhỏ. Đây là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Năm 2024, Cát Bà đón hơn 3,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 90,5%. Tổng doanh thu từ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ.
Không chỉ nổi bật về cảnh quan và du lịch, Cát Hải còn là vùng đất lưu giữ dấu tích khảo cổ học có giá trị. Qua khai quật, các nhà khảo cổ tìm thấy 15 điểm có dấu tích người Việt cổ nhưng hang Eo Bùa, Tùng Bà, Bờ Đá, Khoăn Mui, Ang Giữa...
Năm 1938, nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quật và nghiên cứu điôxít cacbon tìm thấy những dị vật còn sót lại, ông khẳng định Cát Bà nằm trong loại hình nền văn hóa Hạ Long. Những đồ vật được tìm thấy ở nơi đây qua khảo cứu đã chứng tỏ người Việt cổ đã từng trú ngụ tại mảnh đất này. Di chỉ Cái Bèo là niềm tự hào của người dân trên đảo.