Sau 13 năm vật lộn trên thương trường, từ thắng lớn - thắng nhỏ - lỗ lớn - lỗ vừa và bắt đầu có lãi; từ nợ ít đến "nợ ngập đầu" và phải "bán con cả" HAGL Agrico, đến thời điểm này, bên cạnh những trận thắng ban đầu, HAGL vẫn đang nhận về không ít hoài nghi về các chiến lược kinh doanh trọng điểm.
Từ đỉnh cao lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng có được nhờ năm 2010 nhờ mảng bất động sản, đối mặt với tình hình kinh tế suy thoái, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã HAG - HOSE) đã bắt đầu dịch chuyển các mảng kinh doanh.
Thời điểm đó, lãi suất cao, dòng tiền khan hiếm, sức mua thấp, tâm lý trông chờ của người mua,… đã tác động mạnh đến ngành bất động sản - mũi doanh thu chủ lực của doanh nghiệp nhà ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).
Ngày 1/10/2019, HAGL thông báo chuyển nhượng hơn 196 triệu cổ phần CTCP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land) - tương đương 47,93% vốn điều lệ cho Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh
2010: Gặp khó với thị trường bất động sản, chuyển sang trồng cao su, cọ dầu
Đầu năm 2010, bầu Đức đã gây sốc khi giảm mạnh giá bán căn hộ để nhanh chóng thu tiền về, sau đó thanh lý các đa phần bất động sản khác đồng thời HAGL tuyên bố đẩy mạnh sang trồng cây công nghiệp với trọng tâm là cây cao su, cọ dầu, mía đường.
Việc chuyển hướng từ bất động sản sang trồng cây công nghiệp của HAGL thực tế đã được triển khai từ năm 2007 với tầm nhìn đa ngành của bầu Đức. Chiến lược phát triển bền vững của HAGL cũng được các ngân hàng ủng hộ và mạnh tay giải ngân cho vay đầu tư dự án.
Tuy nhiên, cây cao su là thất bại nặng nề của HAGL. Giá cao su liên tục giảm sâu từ mức đỉnh 5.750 USD/tấn vào năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 1.000 USD tấn vào năm 2015 khiến tất cả nông trường cao su của HAGL không đạt ngưỡng hòa vốn.
Tương tự, giá cọ dầu cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục và sản lượng cọ dầu của HAGL cũng không đạt kế hoạch đề ra.
2014: Thất thu cao su, cọ dầu chuyển sang nuôi bò lấy sữa - thịt
Đến năm 2014, HAGL đã xoay chuyển chiến lược kinh doanh sang chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Trong định hướng chiến lược, HAGL sẽ đầu tư các dự án chăn nuôi bò với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng - dự kiến tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con.
Đội ngũ của HAGL rất nhanh chóng triển khai dự án trên quy mô lớn, đến cuối năm 2014, tổng đàn bò của Tập đoàn HAGL đã lên đến hơn 43.500 con và nhanh chóng tăng lên 130.000 con vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, chiến lược chăn nuôi bò thịt của HAGL đi vào ngõ cụt khi biên lợi nhuận ngành này suy giảm nhanh chóng. Tới cuối năm 2016, tổng số lượng bò của HAGL còn 122.000 con, không còn tăng trưởng và Tập đoàn xác định chỉ là “chiến lược ngắn hạn”.
2016: Phá sản chiến lược nuôi bò, chuyển sang trồng cây ăn quả, báo lỗ nặng lần đầu
HAGL ngay sau đó thực hiện tái cơ cấu kinh doanh sang các loại cây ăn quả ngắn ngày giúp mang lại nguồn thu ngay là thanh long, chuối và chanh dây. Cuối năm 2016, Tập đoàn dự kiến sẽ có doanh thu trái cây từ năm 2017.
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên HAGL ghi nhận lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất với hơn 1.500 tỷ đồng - chủ yếu do chi phí tài chính tăng mạnh. Công ty đã phải tiến hành thanh lý một số dự án bất động sản và đánh giá lại giá trị một số tài sản đồng thời bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công.
Chiến lược phát triển cây ăn trái tiếp tục được HAGL đẩy mạnh. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha. Song nguồn thu từ trái cây không đủ sức giải tỏa áp lực tài chính ngày càng tăng của HAGL.
2019 - 2021: Bán HAGL Agrico để cơ cấu nguồn lực, "tiến công" thị trường chăn nuôi, những khoản lợi nhuận bắt đầu suất hiện
Tập đoàn HAGL phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco). Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu có thể nói đã không như mong đợi và kết quả là HAGL Agrico (HNG) đã về tay Thaco của Chủ tịch Trần Bá Dương sau khi bầu Đức và HAGL thực hiện thoái toàn bộ vốn tại đây.
Biến động nợ của HAG và HNG giai đoạn 2012 - 2021 (Đơn vị tỷ đồng)
Trong lần chia sẻ trước khi diễn ra ĐHCĐ thường niên 2022, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAG từng cho biết: "Năm 2022, theo dự tính HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại và có thể thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu HNG ở thời điểm hồi tháng 3). Phía HNG cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ nợ HAGL trong năm 2022 (đến hiện tại còn gần 2.084 tỷ đồng). Như vậy, tổng tiền 4.400 tỷ đồng sẽ được HAGL dùng để giảm trả nợ".
Gần 2 năm sau những biến động thượng tầng, nhà đầu tư đang chứng kiến những sắc thái kinh doanh hoàn toàn trái ngược. HAGL đã có lãi và HNG vẫn chưa ngừng lỗ.
Xem thêm HAGL: Nắng lửa cao nguyên - một cái tên, hai cảnh ngộ
Sau khi bán HAGL Agrico, HAGL tiếp tục làm mới với câu chuyện “heo ăn chuối” từ năm 2020. Đến cuối năm 2021, HAGL đã trồng 7.000 ha chuối và xây dựng 7 cụm trang trại chăn nuôi heo với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm.
8/2022: Chào sân sản phẩm "thịt heo ăn chuối", lên kế hoạch nuôi thêm gà
Ngày 17/9/2022, CTCP Tập đoàn HAGL (Mã HAG - HOSE) vừa ra mắt thành công thương hiệu thịt heo ăn chuối Bapi tại TP. HCM.
Trong năm nay, Tập đoàn dự kiến xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại nâng tổng số lên thành 16 cụm với công suất nuối hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm.
Với những thành công ban đầu của mô hình nuôi heo ăn chuối, HAGL tiếp tục có một kế hoạch mới, lần này là chăn nuôi gà. Tập đoàn tiết lộ đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, Gia Lai và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11 tới.
Đạt gần 70% chỉ tiêu lợi nhuận sau 8 tháng
Mới nhất, HAG cho biết đã ghi nhận doanh thu thuần tháng 8/2022 đạt 448 tỷ đồng - tăng 14% so với tháng trước; lãi sau thuế giảm 2 tỷ đồng xuống còn 123 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng chăn nuôi đạt 195 tỷ đồng; cây ăn trái đạt 193 tỷ đồng; mảng phụ trợ đạt 60 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng, sản lượng tiêu thụ của HAG đạt 136.075 con heo thịt; 167.280 tấn chuối (xuất khẩu được 112.740 tấn và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi 54.540 tấn).
Kết quả, doanh thu tháng của HAGL đạt 2.708 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 781 tỷ đồng. Với kết quả này, HAG đã thực hiện được gần 70% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
6 - 9/2022: Cổ phiếu áp sát đỉnh 7 năm, khối ngoại nhập cuộc
Tăng mạnh từ đáy ngắn hạn ngày 17/6/2022 (mức 6.980 đồng), đến thời điểm này, sau 3 tháng tăng liên tục, thị giá cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (sàn HOSE) đang đứng mức 13.850 đồng (kết phiên 20/9).
Trong phiên 19/9, có thời điểm mã tăng mạnh hơn 4% lên mức 14.200 đồng (lúc 14h02). Tạm tính tại mức giá này, thị giá cổ phiếu HAG đã tăng 103% chỉ sau 3 tháng.
Hiện mã cũng đang áp sát đỉnh cũ hồi giữa tháng 1/2022 (mức 15.650 đồng). Đây cũng là mức đỉnh 7 năm gần nhất của cổ phiếu này.
Sự gia nhập của Bapi HAGL bên cạnh sự ủng hộ dành cho thương hiệu thịt chất lượng mới cũng xuất hiện nhiều hơn những nghi ngờ. Không ai dám chắc hành trình phát triển thương hiệu "heo ăn chuối" sẽ đi lại con đường “bỏ túi 1 tỷ từ phân bò" 7 năm trước mà HAGL đã đi song bầu Đức từng cho biết, dự án nuôi bò hiệu quả nhưng lúc đó nợ quá nhiều, ngân hàng “canh” có tiền là thu nợ nên không thể thành công.
Trong phát biểu mới đây trước các nhà đầu tư, ông Đoàn Nguyên Đức tin rằng “HAGL đã thoát nạn”. Dù còn nợ, nhưng khoản nợ của HAGL không lớn và Tập đoàn này tự tin doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo, gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để tập đoàn trả nợ và mở rộng kinh doanh.