Mặc dù đã hồi phục đáng kể từ sau kì nghỉ Tết Nguyên đán song công ty chứng khoán này cho rằng định giá các cổ phiếu thép hiện vẫn đang ở mức khá an toàn.
Trong báo cáo mới đây, VNDirect đánh giá năm 2021 là một năm thành công rực rỡ của ngành thép mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm.
Sang đến năm 2022, VNDirect cho rằng ngành thép Việt Nam đang có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn chu kỳ trước đó.
Đầu tiên là nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam. Theo Bộ GTVT, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Trong năm 2022, VNDirect cho rằng chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh thời gian tới và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10 - 15% so với cùng kỳ. Với tôn mạ, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam được kỳ vọng tăng nhẹ 5% trong năm 2022.
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1990 và đạt 37% vào năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thành thị của Việt Nam sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Sự dịch chuyển dân cư ra thành thị sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, kích thích nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng dân dụng.
Yếu tố thứ 3 là tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á. Theo số liệu của Hiệp hội thép Thế giới (WSA), tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam là 283 kg, cao hơn mức trung bình thế giới là 245 kg, nhưng thấp hơn mức trung bình châu Á là 316 kg.
Mặt khác, tăng trưởng kép tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam cũng đặt tốc độ ấn tượng 7,3% trong giai đoạn 2009 - 2019 - gấp lần lượt 4 lần so với tốc độ trung bình của thế giới.
Cuối cùng là Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới. Trung Quốc – quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021 – đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép; chính sách loại bỏ hoàn thuế VAT 13% đẩy các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc vào thế bất lợi trong khi chính sách giảm bớt ô nhiễm môi trường buộc các công ty giảm sản lượng thép.
Biên lợi nhuận gộp ngành sẽ suy giảm
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, biên lợi nhuận gộp ngành thép năm 2022 sẽ suy giảm từ mức cao của năm 2021 do giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị toàn diện, kinh nghiệm quản lý chi phí & hàng tồn kho đã được chứng minh và thị phần vượt trội, VNDirect cho rằng Hoà Phát (HPG) sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thấp nhất. Trong năm 2022, công ty dự phóng biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát sẽ giảm xuống mức 25,9%, tương ứng giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, với việc phụ thuộc lớn vào giá HRC đầu vào và giá bán thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và EU suy giảm, VNDirect cho rằng hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp ngành tôn mạ sẽ giảm đáng kể.
Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim (NKG) năm 2022 sẽ chỉ đạt 11%, giảm 4,2 điểm phần trăm.
Nhờ sở hữu chuỗi bán lẻ tại thị trường nội địa, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sẽ có khả năng chuyển một phần rủi ro giá nguyên vật liệu biến động sang khách hàng, theo đó nhóm phân tích ước tính biên lợi nhuận gộp của công ty năm 2022 sẽ giảm 2,5 điểm phần trăm xuống 14,3%.
VNDirect nhận định ngành thép Việt Nam vẫn mang đặc trưng của chu kỳ, tuy nhiên chu kỳ hiện tại đang có những điều kiện lý tưởng.
Cổ phiếu thép còn hấp dẫn?
VNDirect nhận thấy sự tương quan lớn của diễn biến cổ phiếu thép với giá bán thép thời gian gần đây. Trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, giá cổ phiếu thép đã tăng trung bình 19,6% so với trước nghỉ lễ khi giá thép thế giới tăng mạnh 5% trong cùng thời kỳ.
Mặc dù đã hồi phục đáng kể từ sau kì nghỉ Tết Nguyên đán song công ty chứng khoán này cho rằng định giá các cổ phiếu thép hiện vẫn đang ở mức khá an toàn. VNDirect thống kê định giá P/E của các cổ phiếu thép đang ở vùng thấp nhất 4 năm trong đó HPG và HSG đang giao dịch ở mức P/E 1 năm lần lượt là là 6,1x (-1,1x Std) và 4,3x (-0,87 Std) - vùng thấp nhất kể từ đầu năm.
Với triển vọng nhu cầu thép nội địa lớn và "miếng bánh" thị phần đang được thép Trung Quốc để lại trên toàn cầu, VNDirect cho rằng các cổ phiếu thép xứng đáng được đầu tư trong dài hạn. Mặc dù bối cảnh có nhiều thuận lợi hơn cũng như những bài học được doanh nghiệp rút ra từ những chu kỳ giá xuống trước đó, giá cổ phiếu thép Việt khó có thể đi ngược yếu tố chu kỳ ngành.
Khối ngoại âm thầm mua 9 phiên liên tiếp một cổ phiếu chứng khoán top đầu
Công ty liên quan phó tướng VNDirect muốn huy động 600 tỷ từ trái phiếu '4 không'