Sau PVS, thêm 2 cổ phiếu dầu khí áp sát đỉnh lịch sử
Nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận nhịp tăng mạnh với sự xuất hiện của các dòng tiền lớn trong 3 tuần gần đây. Bên cạnh PVS đã vượt đỉnh, một số mã nổi bật cũng đang hướng đỉnh.
Kết tuần giao dịch từ 11 - 15/9, VN-Index giảm 14,12 điểm (-1,14%) xuống 1.227,36 điểm; HNX-Index giảm 3,44 điểm (-1,34%) còn 252,76 điểm.
Thanh khoản sàn HOSE đạt 26.640 tỷ đồng/phiên - giảm đáng kể so với tuần trước đó; sàn HNX đạt 2.470 tỷ đồng/phiên.
Nhóm cổ phiếu họ dầu khí trở thành điểm nhấn nổi bật với nhịp tăng 3 phiên cuối tuần trong bối cảnh giá dầu thô đã leo lên mức cao nhất trong 10 tháng. Cụ thể, cổ phiếu CNG (+11,76%), PVT (+9,6%), PVB (+8,9%), GAS (+7,2%), OIL (+6,4%), PVS (+6,2%), BSR (+3,3%),...
Giá dầu thế giới đã vượt mốc 90 USD/thùng và trở thành câu chuyện tăng giá của nhóm cổ phiếu dầu khí 3 phiên gần đây.
Tâm điểm trong số này là việc cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (sàn HNX) chính thức tiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử niêm yết, mốc 39.400 đồng/cp. Phiên 15/9, có thời điểm mã đạt mức 40.500 đồng trước khi biên độ tăng thu hẹp còn 4%. Đây đã là phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
Ghi nhận, giá dầu WTI đã tăng lên mức 90,7 USD/thùng, lần đầu vượt mốc 90 USD kể từ tháng 11 năm ngoái; dầu Brent cũng lên 94 USD/thùng - cao nhất từ đầu năm.
Giá dầu gần đây liên tục tăng cao do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt. Mới đây, Nga và Arab Saudi - 2 quốc gia dẫn đầu tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết cung dầu đến hết năm nay.
Với riêng PVS, theo thông tin liên quan từ Chứng khoán Bảo Việt (BVS), liên doanh PVS vừa được công bố trúng gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở trị giá 1,08 tỷ USD thuộc chuỗi dự án khí Lô B – Ô Môn.
Với việc cổ phiếu PVS đã vượt đỉnh, nhà đầu tư nên ưu tiên vị thế nắm giữ, canh chốt lời một phần khi giá vượt mốc 40.000 đồng để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Theo sau PVS, 2 cổ phiếu họ P khác cũng tăng giá áp sát đỉnh nhiều năm là PVD và PVT.
Cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí - PVTrans (sàn HOSE) hiện giao dịch ở mức 26.000 đồng/cp - tăng 21,5% trong 3 tuần gần nhất. So với mức đỉnh 10 năm, 28.770 đồng/cp phiên 7/3/2022, cổ phiếu PVT hiện đang thấp hơn 9,6% - tương đương hơn 1 phiên tăng trần.
Được biết, ngày 15/9 vừa qua, công ty đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 3%; số tiền khoảng 97 tỷ đồng dự kiến được chi trả vào ngày 5/10 tới.
Về kết quả kinh doanh, quý 2 vừa qua, PVTrans đạt 2.097 tỷ đồng doanh thu - giảm 7% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế tăng 42% lên mức 297 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng mạnh từ 19,5% lên 22,8% chủ yếu nhờ đóng góp từ mảng vận tải dầu thô và LPG. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng mạnh nhờ đóng góp từ việc thanh lý tàu Apollo Pacific và PVT Dragon.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu đạt 4.135 tỷ đồng - giảm 3,3% YoY; lãi sau thuế đạt 612 tỷ - tăng 35,4% so với bán niên 2022.
Với việc hưởng lợi từ việc lãi suất giảm và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao cũng như hoạt động mở rộng đội tàu, Chứng khoán BVS dự phóng PVT có thể đạt lợi nhuận sau thuế năm 2023 khoảng 1.036 tỷ đồng.
Trong báo cáo phân tích gần nhất, công ty chứng khoán này đưa ra giá mục tiêu của cổ phiếu PVT trên mức 27.000 đồng.
Cổ phiếu khác là PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (sàn HOSE) đóng phiên 15/9 tại mức 27.200 đồng/cp - cách đỉnh cũ 8 năm (mức 30.260 đồng ghi nhận trong phiên 9/3/2022) chỉ 10%.
Không riêng 2 doanh nghiệp dầu khí họ P nói trên, nhóm cổ phiếu dầu khi giai đoạn này đang được hưởng lợi bởi câu chuyện giá dầu thế giới cũng như kỳ vọng về siêu dự án Lô B - Ô Môn với khối lượng công việc khổng lồ cho cả doanh nghiệp thượng - trung và hạ nguồn.
Trên đồ thị kỹ thuật, nhóm này đang ghi nhận sự hiện diện của các dòng tiền lớn nhập cuộc, đặc biệt từ sau thời điểm VN-Index giảm 55 điểm (phiên 18/8).
Xem thêm: Cổ phiếu BSR tăng 2 tuần liên tiếp, giá chạm đỉnh 1 năm
Siêu dự án Lô B - Ô Môn có thể mang về 5,8 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS)
Nhóm dầu khí lỗ ròng quý III: Nỗi lo giá dầu giảm sâu về 40 USD/thùng năm 2025