Xã hội

Sau sáp nhập, tỉnh diện tích lớn nhất Việt Nam có 2 sân bay, đường bờ biển dài 192km, sở hữu chuỗi 'cao nguyên - biển' hấp dẫn bậc nhất

Linh Chi 07/05/2025 15:46

Sau khi sáp nhập, tỉnh này có diện tích tự nhiên lên tới 24.233,1 km², đứng đầu cả nước. Quy mô dân số đạt khoảng 3.324.400 người (đứng thứ 13 cả nước) và tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 329.871 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong cả nước.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng sẽ được hợp nhất thành một tỉnh mới với tên gọi Lâm Đồng. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sẽ đặt tại thành phố Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Đồng hiện nay).

Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích tự nhiên lên tới 24.233,1 km², đứng đầu cả nước. Quy mô dân số đạt khoảng 3.324.400 người (đứng thứ 13 cả nước) và tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 329.871 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong cả nước.

Sau sáp nhập, tỉnh diện tích lớn nhất Việt Nam có 2 sân bay, đường bờ biển dài 192km, sở hữu chuỗi 'cao nguyên - biển' hấp dẫn bậc nhất - ảnh 1
Sau sáp nhập, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích lớn nhất. Ảnh: Báo Chính phủ.

Việc hợp nhất các tỉnh này mang lại nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội cho Lâm Đồng. Tỉnh này sẽ sở hữu cùng lúc hai sân bay là sân bay Phan Thiết và sân bay quốc tế Liên Khương. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua tỉnh Bình Thuận, cùng 14 ga đường sắt phục vụ cho các chuyến tàu khách và tàu hàng Bắc - Nam. Không những thế, sau sáp nhập, tỉnh này còn có cảng biển và một số tuyến đường thủy nội địa, giúp kết nối giao thương thuận lợi.

Theo Báo Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ sở hữu chuỗi “cao nguyên – biển” vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Cụ thể, Lâm Đồng có tiềm năng phát triển du lịch nhờ vào cảnh quan thiên nhiên phong phú, kết hợp hài hòa giữa rừng và biển. Đà Lạt là điểm đến quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Thành phố sương mù có các hồ như hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm… với vẻ đẹp như tranh thủy mặc là những địa danh không thể bỏ qua.

Ngoài ra, sau khi sáp nhập, Lâm Đồng còn sở hữu 192 km bờ biển, với ngư trường rộng 52.000 km². Các đảo như Hòn Cau, Hòn Nghề và Hải đăng Kê Gà không chỉ có giá trị về mặt sinh thái mà còn là các điểm du lịch hấp dẫn.

Đặc biệt, đảo Phú Quý mang vẻ đẹp hoang sơ, bình yên, được mệnh danh là thiên đường du lịch đảo, đang trở thành một điểm đến nổi bật cho những du khách đam mê biển đảo.

Sau sáp nhập, tỉnh diện tích lớn nhất Việt Nam có 2 sân bay, đường bờ biển dài 192km, sở hữu chuỗi 'cao nguyên - biển' hấp dẫn bậc nhất - ảnh 2
Thiên đường du lịch đảo - đảo Phú Quý, thu hút đông đảo du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình yên. Ảnh: Internet.

Tỉnh còn sở hữu khu công viên địa chất Đắk Nông rộng lớn, trải dài trên diện tích 4.760 km², với hơn 65 điểm di sản địa chất, trong đó có hệ thống hang động dài hơn 10.000 m và nhiều miệng núi lửa, thác nước kỳ vĩ. Hồ Tà Đùng với diện tích gần 6.000 ha mặt nước, được ví như “vịnh Hạ Long của Tây Nguyên” là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá, yêu thiên nhiên.

Lâm Đồng cũng có diện tích đất rừng lớn nhất cả nước, lên tới 1.128.689 ha, chiếm phần lớn diện tích rừng của vùng Đông Nam Bộ. Các khu bảo tồn thiên nhiên như Tà Đùng, Tà Kóu và Vườn Quốc gia Cát Tiên là những nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quý hiếm. Những tài nguyên rừng này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu mà còn là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch sinh thái.

Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh lớn của Lâm Đồng, nhờ vào diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, lên tới hơn 1.054.000 ha. Tỉnh sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với các cây trồng đa dạng như cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, rau hoa, cùng với chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, độ cao địa hình của Lâm Đồng dao động từ 2 m đến 1.600 m, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp đa dạng.

Về khoáng sản, Lâm Đồng sở hữu trữ lượng lớn các loại khoáng sản như quặng bô xít, titan, và một số khoáng sản khác. Quặng bô xít tại Lâm Đồng ước tính lên tới hơn 1,23 tỷ tấn. Với trữ lượng khổng lồ này có thể giúp Lâm Đồng trở thành trung tâm công nghiệp khai thác - chế biến bô xít và alumin của Việt Nam và thế giới. Tỉnh này cũng có trữ lượng quặng titan lên tới 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng titan của cả nước.

Những tiềm năng vượt trội này tạo điều kiện thuận lợi cho Lâm Đồng trong việc phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

>>Thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam sẽ trở thành địa phương đầu tiên sở hữu hai sân bay quốc tế sau sáp nhập

Thủ tướng có thể chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thành sau sáp nhập

Sáp nhập Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình: Tỷ lệ đồng thuận của người dân thế nào?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-tinh-dien-tich-lon-nhat-viet-nam-co-2-san-bay-duong-bo-bien-dai-192km-so-huu-chuoi-cao-nguyen-bien-hap-dan-bac-nhat-141866.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sau sáp nhập, tỉnh diện tích lớn nhất Việt Nam có 2 sân bay, đường bờ biển dài 192km, sở hữu chuỗi 'cao nguyên - biển' hấp dẫn bậc nhất
    POWERED BY ONECMS & INTECH